Thứ Tư, 02/09/2015, 06:04 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19-8-1945 - 19-8-2015):

Những ngày Tháng Tám lịch sử ở Tiền Giang

Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) phát triển mạnh mẽ, giữa trưa ngày 15-8-1945 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản.

Tin đó đến với lãnh tụ Hồ Chí Minh rất sớm qua bản tin Đài BBC mà Người nghe được ở lán Nà Lừa, Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Vì vậy, Người chỉ đạo: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (1).

Lập tức Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 với nội dung: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội duy nhất cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động cho thật nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.

Nhà ông Lê Văn Philip (số 16, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Gò Công), nơi mở các cuộc họp để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.
Nhà ông Lê Văn Philip (số 16, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Gò Công), nơi mở các cuộc họp để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.

Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong Thư kêu gọi đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.

Tối 16-8 và sáng 17-8, Xứ ủy họp khẩn cấp tại Chợ Đệm. Đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và đồng chí Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công dự họp. Hội nghị xác định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, các địa phương tùy theo tình hình mà lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Mỹ Tho, Gò Công tình hình diễn ra ngày càng có lợi cho phong trào cách mạng. Lữ đoàn quân phiệt Nhật đóng ở Mỹ Tho rã rời, hoang mang cực độ. Chính quyền phát xít Nhật ở Mỹ Tho, Gò Công ngừng việc. Quân Nhật ở các nơi kéo về co cụm tại thị xã Mỹ Tho và thị xã Gò Công để phòng thủ; một số khác hoang mang bỏ trốn... Đó là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân nổi dậy cướp chính quyền.

Đêm 17-8-1945, ngay sau khi từ Chợ Đệm trở về, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy triệu tập cuộc hội nghị để bàn về vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm với phương châm nơi nào lực lượng ta mạnh thì khởi nghĩa trước, kiên quyết giành bằng được chính quyền về tay nhân dân; nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau.

Tỉnh ủy Mỹ Tho thành lập Ban vận động Việt Minh gồm các đồng chí: Phan Lương Trực, Ba Cần, Hương Thân Được và Lưu Văn Đoàn. Ban vận động Việt Minh sử dụng 32 súng do lực lượng binh vận mang về cùng với súng con chôn giữ từ thời Nam kỳ khởi nghĩa và mò được 20 súng từ tàu Pháp ở cồn Rồng, Bình Đức trang bị cho lực lượng vũ trang tham gia giành chính quyền tại thị xã Mỹ Tho.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, vào lúc 4 giờ sáng ngày 18-8-1945, học viên Trường Huấn luyện Quân sự tại xã Long An, huyện Châu Thành do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy được biên chế thành 3 trung đội tiến vào thị xã Mỹ Tho để phối hợp với lực lượng bên trong đánh chiếm các mục tiêu địch trong thị xã. Địch không kịp phản ứng, việc đánh chiếm các công sở của địch diễn ra một cách nhanh chóng và bất ngờ làm cho nhân dân lúc đầu có sự bỡ ngỡ, nhưng sau đó từ các khu phố, quần chúng đổ ra đường tấp nập làm thành những cuộc tuần hành thị uy.

Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành công việc thành lập UBND tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít tinh chào mừng chính quyền về tay nhân dân. Tối 24-8, các đồng chí trong Tỉnh ủy triệu tập cuộc hội nghị tại tòa bố chánh để thành lập UBND tỉnh Mỹ Tho.

Tại huyện Châu Thành, ngày 21-8 được tin tên chủ quận bỏ chạy, Huyện ủy nhanh chóng lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã và đến ngày 23-8 nhân dân đã làm chủ hoàn toàn.
Tại huyện Cai Lậy, ngày 23-8 trước áp lực mạnh của quần chúng, tên chủ quận đã đầu hàng và buộc phải ra lệnh cho các đồn bót hạ súng. Chỉ trong vòng 1 ngày, chính quyền huyện Cai Lậy đã về tay nhân dân.

Tại huyện Cái Bè, ngày 24-8 quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt kéo về huyện lỵ biểu tình, làm áp lực buộc tên chủ quận đầu hàng và giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh. Chỉ trong ngày 24-8, chính quyền toàn huyện đã do nhân dân làm chủ.

Tính từ ngày 18 đến 25-8-1945, chính quyền trong toàn tỉnh Mỹ Tho đã về tay nhân dân. Sáng 25-8, quần chúng các huyện kéo về thị xã Mỹ Tho dự Mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân tại sân vận động. Với khí thế cách mạng, một rừng biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, hơn 30.000 người đã hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm!

Ở Gò Công, ngày 18-8-1945, từ Hội nghị xứ ủy ở Chợ Đệm trở về, đồng chí Nguyễn Văn Côn triệu tập Tỉnh ủy lâm thời họp và thành lập Tỉnh ủy chính thức do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư Tỉnh ủy (2). Ủy ban Giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Chủ tịch (3).

Ngày 19-8, hoang mang trước những tin tức quần chúng từ ngoài tỉnh nổi dậy kéo vào tỉnh Gò Công, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký đã yêu cầu thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tỉnh giữ gìn an ninh trong tỉnh. Tối 19-8, các đồng chí lãnh đạo họp tại nhà ông Lê Văn Philip bàn kế hoạch khởi nghĩa và quyết định Việt Minh ra công khai. Ngày 22-8, ông Lê Văn Philip đến gặp và thuyết phục tỉnh trưởng Trần Hưng Ký đầu hàng Việt Minh.

14 giờ, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời ông Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philip tới bàn giao chính quyền. Chỉ trong ngày 22-8-1945, quân khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Gò Công đã thắng lợi trọn vẹn. Nhờ dựa vào sức mạnh của cao trào cách mạng trong cả nước, nhờ áp lực của phong trào quần chúng cách mạng trong tỉnh Gò Công, nhờ vào hoạt động ứng phó nhanh chóng, kịp thời và sự khéo léo của các đồng chí lãnh đạo phong trào, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công mà không có xô xát, không có nổ súng và không có đổ máu.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã đập tan sự thống trị của thực dân Pháp trong hơn 80 năm. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

(1): Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 224.

(2): Tỉnh ủy chính thức gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Côn, Ngô Văn Ngự, Trần Minh Nghĩa, Trần Thị Nương và đồng chí Tố…

(3): Các thành viên khác của Ủy ban Giải phóng lâm thời có các ông: Ngô Văn Ngự, ông Tố, bà Trần Thị Nương và ông Lê Văn Philip.

.
.
.