Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến
“Thành đồng Tổ quốc” là danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao cho quân và dân Nam bộ để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng - một mặt trận mở đầu cho một cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc. “Thành đồng Tổ quốc” là sự thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam bộ đánh tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp khi quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa…
Ngày 23-9-1945, trong khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ đã ra Lời kêu gọi kháng chiến. Sau đó (ngày 26-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, bày tỏ sự tin tưởng vào các chiến sĩ và nhân dân Nam bộ anh dũng chiến đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Căn nhà gần cầu Vĩ, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy ngày 15-10-1945. |
Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy ban Hành chính Nam bộ, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến. Trong tình thế khẩn trương, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công phát động phong trào vũ trang chiến đấu.
Lực lượng vũ trang chiến đấu ban đầu chủ yếu huy động từ những đoàn thể cứu quốc, mà đại bộ phận là thành phần cơ bản trong quần chúng, tập hợp hình thành lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc và tổ chức những đội tự vệ sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 9-1945, tất cả các xã trong tỉnh đều tổ chức được lực lượng tự vệ, nhiều xã có đến 3 trung đội, xã ít nhất có 1 trung đội, với vũ khí còn thô sơ như: Tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, súng mút hoặc súng lửa.
Ngày 9-9-1945, Tỉnh ủy Gò Công thành lập lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh, lấy tên là Cộng hòa tự vệ, gồm 4 trung đội với hơn 100 người, thành phần gồm những nông dân yêu nước, những người hiểu biết về quân sự được tuyển chọn, được huấn luyện cơ bản và sẵn sàng chiến đấu.
Một số lính “khố đỏ”, Cộng hòa vệ binh cũng xung phong gia nhập lực lượng vũ trang và được tỉnh Gò Công thu nhận. Nhằm phục vụ cho vũ trang chiến đấu, tỉnh Gò Công còn tổ chức 1 đội nữ cứu thương để chăm sóc cho thương binh, bệnh binh. Thanh niên thị xã Gò Công tích cực gia nhập lực lượng dân quân vũ trang, đến giữa tháng 9-1945 thị xã có được 2 trung đội.
Trước đó (đầu tháng 9-1945), Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ và Ủy ban ủng hộ chính trị phạm (do Xứ ủy thành lập) đã chỉ đạo Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công tổ chức ngư dân và ghe đón tù chính trị từ Côn Đảo về.
Sau khi nhận chỉ thị của cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Gò Công vận động 32 chiếc ghe của ngư dân xã Vàm Láng và xã Kiểng Phước vượt biển đón các đồng chí cán bộ bị thực dân Pháp giam cầm về đất liền. Trong số cán bộ được đón về có các đồng chí chủ chốt của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ…
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đã khẩn trương xây dựng nhiều phòng tuyến chiến đấu ở các điểm xung yếu như: Cầu Nổi, Pháo Đài, Rạch Bùn, cầu Sơn Quy (tỉnh Gò Công); Rạch Tràm, cầu Hòa Bình - Bình Ninh - vàm Kỳ Hôn (huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho); thị trấn Cái Bè, ngã tư Chợ Giồng (huyện Cái Bè)…
Để giải quyết khó khăn về vũ khí và trang phục cho lực lượng vũ trang, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã phát động nhân dân đóng góp đồng, thau để đúc vũ khí và ủng hộ gạo, vải, lương thực, quần áo cho quỹ nuôi quân. Lực lượng vũ trang đóng ở đâu đã được nhân dân ở đó ủng hộ.
Ngày 15-10-1945, Xứ ủy Nam bộ phối hợp cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị mở rộng tại nhà đồng chí Nguyễn Tử Dân, xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo (nay là TP. Mỹ Tho), thành phần tham dự gồm các đồng chí đảng viên của Xứ ủy Tiền Phong, Xứ ủy Giải Phóng và các đảng viên mới ra tù Côn Đảo trở về.
Hội nghị quyết định: Thành lập Ủy ban kháng chiến, xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, lập các binh công xưởng ở căn cứ. Các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch và vận động nhân dân tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn thực hiện “vườn không nhà trống”, bằng mọi cách ngăn cản bước tiến của địch…
Thực hiện lệnh Tổng động viên và Lời kêu gọi nhân dân kháng chiến giết giặc cứu nước của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo các ngành, đoàn thể cứu quốc và các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến.
Kết quả bước đầu thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến” ở một số vùng trọng điểm, đến giữa tháng 10-1945 các thị xã trong tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn rất ít người. Lương thực, thực phẩm được nhân dân mang đi hoặc chôn cất, một số nơi du kích tổ chức giật súng của Nhật để tự trang bị cho mình. Không khí kháng chiến đã thực sự nằm trong ý thức của chiến sĩ và nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công.
Chỉ sau 2 tháng từ ngày giành được chính quyền, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, giữ vững được chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang và phát động nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Với thắng lợi trong việc củng cố chính quyền của Đảng bộ và nhân dân, những điều kiện để ổn định tình hình và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài đã sẵn sàng. Điều đó nói lên khả năng giành và giữ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, nòng cốt là giai cấp công - nông dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, đưa đến thắng lợi bước đầu, góp phần làm nên thắng lợi chung của Nam bộ trong những ngày đầu chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta.
HỒNG LÊ (tổng hợp)