Thứ Hai, 07/09/2015, 10:00 (GMT+7)
.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của TAND cấp huyện

Từ khi có Nghị quyết 49-NQ/TW và Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, hiệu quả cải cách tư pháp ngày càng được hoàn thiện, nâng chất, khắc phục được những hạn chế trước đây.
Hoàn thiện hệ thống tư pháp trong hoạt động xét xử được thực hiện ở nhiều khâu, nhưng quan trọng nhất là từ việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Trong thời gian qua, các Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nên có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt: Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ tăng về số lượng, nâng cao chất lượng, năng nổ, nhiệt tình, tận tâm với công việc được giao.

Đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa một cách dân chủ và bình đẳng trước pháp luật giữa người tham gia tố tụng. Vị trí, vai trò và trách nhiệm của cán bộ thẩm phán, thư ký Tòa án quy định trong luật được cụ thể hóa bằng trách nhiệm cụ thể nhằm nâng cao tính hiệu quả.

Hội đồng xét xử tuyên án tại một phiên tòa xét xử lưu động.
Hội đồng xét xử tuyên án tại một phiên tòa xét xử lưu động.

TAND cấp huyện đã chú trọng đẩy nhanh tiến độ công tác xét xử với tiến độ và chất lượng ngày càng được cải thiện. Các phán quyết của TAND cấp huyện đã căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm so với yêu cầu đề ra. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong năm 2014, TAND cấp huyện thụ lý 9.593 vụ (việc) các loại, trong đó đã giải quyết 9.824 vụ (việc), đạt tỷ lệ 97,65%. Án bị hủy do lỗi chủ quan là 62 vụ, đạt tỷ lệ 0,65% kế hoạch.

Từ khi TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền, số lượng án tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ án bị hủy, sửa bảo đảm dưới mức cho phép của ngành. Các bản án, quyết định có sai sót bị Tòa án cấp trên cải sửa hoặc hủy án được đơn vị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không để xảy ra sai sót tương tự.

Mặt khác, các Chánh án thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động tố tụng và công tác quản lý hành chính, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để xem xét, yêu cầu sớm khắc phục, sửa chữa. Công tác thi hành án phạt tù được lãnh đạo TAND cấp huyện phân công 1 đồng chí theo dõi trực tiếp; việc ra quyết định thi hành án, tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đều được thực hiện nghiêm túc, đúng hạn luật định.

Ở đơn vị TAND TP. Mỹ Tho, tập thể cán bộ, công chức đã được quán triệt nội dung Nghị quyết 49/CT-TW của Bộ Chính trị, qua đó nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành Tòa án nên quyết tâm không để xảy ra oan sai trong tố tụng.

Tuy nhiên, trong công tác giải quyết các loại án, một số TAND cấp huyện còn sai sót, nên tỷ lệ án sơ thẩm bị hủy, sửa chưa giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng án phải giải quyết của TAND cấp huyện tăng so với năm trước, với tính chất ngày càng phức tạp, trong đó các vụ án hành chính tăng nhanh về số lượng, trong khi biên chế thẩm phán, thư ký của TAND cấp huyện còn thiếu, dẫn đến áp lực công việc nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết án.

Ngoài ra, việc triệu tập đương sự và tống đạt các tài liệu liên quan đến tố tụng còn gặp nhiều khó khăn và một số vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ chưa được hướng dẫn kịp thời, do đó việc vận dụng pháp luật vào thực tiễn xét xử còn lúng túng, một số trường hợp còn có nhận thức khác nhau nên đã ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chưa xem xét thận trọng khi đánh giá chứng cứ nên đã không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Thẩm phán chưa cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn hoặc các sai sót đã được đưa ra rút kinh nghiệm trong phiên tổng kết, đánh giá chất lượng xét xử. Một số thẩm phán còn bị động khi giải quyết các vụ án phức tạp…

Trên cơ sở thực tiễn công tác xét xử các vụ án của TAND cấp huyện, để nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký Tòa án, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm rèn luyện phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân để xây dựng đội ngũ thẩm phán, thư ký Tòa án có phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm quyền dân chủ của các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đối với từng loại án. Bảo đảm các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật và đem lại công lý cho xã hội.

Tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ (việc) dân sự, tăng cường đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính và chủ động tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động.  Quan tâm hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng tại tòa án, bảo đảm công tác xét xử của tòa án ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch.

Hạn chế tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử hoặc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất của TAND cấp huyện, đảm bảo đủ biên chế và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức Tòa án.

NGUYỄN THANH PHONG

(Chánh án TAND TP. Mỹ Tho)

.
.
.