Những nét son của phong trào thi đua yêu nước ở Tiền Giang
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ta nói chung và của nhân dân Tiền Giang nói riêng đã và đang là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tặng Cờ truyền thống cho Hội Nông dân tỉnh tại Hội nghị tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2013. Ảnh: Xuân Hòa |
Trong nhiều thập kỷ qua, Tiền Giang có nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến tranh, mở đầu là Chiến thắng Giồng Dứa ngày 25-4-1947, theo đánh giá sau này của Phòng Khoa học Lịch sử quân sự Quân khu 9:
“Chiến thắng Giồng Dứa là một trong những trận tiêu diệt địch tiêu biểu ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp; sau đó là Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 lừng lẫy khắp năm châu đã nêu cao tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, bước đầu đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963 Trung ương Cục miền Nam phát động phong trào thi đua “Ấp Bắc giết giặc lập công”, và sau đó nhiều phong trào thi đua khác ra đời như: Phong trào “Bám trụ một tấc không đi, một ly không rời, tấc đất tấc vàng”; phong trào “Nắm thắt lưng địch mà đánh”… đỉnh điểm là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Tiền Giang trong những ngày đầu sau giải phóng đã bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời phát động 2 phong trào thi đua lớn:
Thứ nhất là làm thủy lợi nội đồng, chủ yếu bằng sức người (huy động lao động xã hội chủ nghĩa) để đào kinh, mương thoát phèn rửa đất, khai hoang vùng Đồng Tháp Mười;
Thứ hai là phong trào thi đua đắp đê biển ngăn mặn, đào kinh Xuân Hòa, kinh 14, kinh nổi và hệ thống cống khép kín dẫn nước từ Chợ Gạo đến Gò Công để cung cấp nước ngọt cho dân sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp từ 1 lên 2 vụ, rồi 3 vụ.
Kết quả từ 2 phong trào thi đua lớn này đã làm thay đổi bộ mặt từ vùng đất trũng đầy phèn, mặn, từ đất không sản xuất hoặc chỉ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh thành đất sản xuất tươi tốt, tạo nên khu vực Gò Công và Tân Phước trù phú như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động trong Lễ Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. |
Phong trào thi đua yêu nước ở Tiền Giang từ sau khi có Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005 càng ổn định và lớn mạnh với nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội được phát động, tạo khí thế thi đua sôi nổi, là nguồn động lực to lớn thúc đẩy tinh thần thi đua yêu nước của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, của toàn dân, toàn quân góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh - quốc phòng như:
“Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quân sự - quốc phòng”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”…
Đặc biệt, phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” có sức lan tỏa rộng lớn, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia và đã có nhiều xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), Tân Thanh (huyện Cái Bè), Tam Bình (huyện Cai Lậy); Bình Nghị, Tân Điền (huyện Gò Công Đông), Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), Phú Kiết (huyện Chợ Gạo).
Nét nổi bật từ kết quả xây dựng NTM của các xã này là sự đồng thuận cao của nhân dân (nhất là nông dân), rất nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, góp của, góp công lao động nâng cấp đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng… Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.
Tổng kết giai đoạn thi đua 2011 - 2015, tỉnh Tiền Giang được Chủ tịch nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, tặng Huân chương Độc lập cho 12 tập thể và cá nhân, Huân chương Lao động các hạng cho 404 tập thể và cá nhân; Chính phủ tặng 3 Cờ thi đua cho tỉnh Tiền Giang đạt thứ hạng cao trong Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ, 39 Cờ thi đua cho các sở, ngành tỉnh, huyện, thành, thị, doanh nghiệp và phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 7 cá nhân;
Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 987 tập thể và cá nhân... Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015, thành tích đạt được chắc chắn không chỉ là những danh hiệu, những tấm huân chương lấp lánh hay chỉ góp phần thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh nhà, mà quan trọng còn nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng đạo đức, nếp sống mới, đề cao phẩm chất con người mới.
Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Tiền Giang lần thứ V - năm 2015 tiếp tục thực hiện chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” nhằm đạt mục tiêu của đại hội đề ra.
ĐÌNH HẢI