Thứ Hai, 07/09/2015, 09:51 (GMT+7)
.

TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang: Những thành tựu và bài học kinh nghiệm

Những thành tựu mà TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang đã đạt được trong 20 năm qua đã thể hiện rõ nét dấu ấn về tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và có những bước trưởng thành vượt bậc, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Qua đó, cũng rút ra được nhiều bài học quý báu làm tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang, cụ thể là tiếp tục xây dựng TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

Tập thể cán bộ, công chức TAND tỉnh Tiền Giang (tháng 6-2015).
Tập thể cán bộ, công chức TAND tỉnh Tiền Giang (tháng 6-2015).

NHỮNG THÀNH TỰU

Tính đến tháng 6-2015, về tổ chức bộ máy của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang có 304 người, đạt 99,6% chỉ tiêu được giao, trong đó có 101 thẩm phán; toàn bộ các đơn vị Tòa án cấp huyện đã được kiện toàn và ổn định về tổ chức, có đủ các chức danh chánh án, phó chánh án và các chức danh tư pháp khác bảo đảm hoạt động hiệu quả. Đối với TAND tỉnh, đã hình thành đầy đủ 5 Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc gồm 3 phòng, với cơ cấu cán bộ hợp lý, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Về trình độ chuyên môn, hiện toàn tỉnh có 280 người tốt nghiệp đại học và 7 người tốt nghiệp cao học (trong thời điểm năm 1995 chỉ có 32 người tốt nghiệp đại học, không có ai tốt nghiệp cao học), tăng 8,9 lần so với thời điểm năm 1995; 100% thẩm phán tốt nghiệp đại học trở lên.

Về trình độ chính trị, hiện toàn tỉnh 34 người có trình độ cao cấp chính trị và 37 người có trình độ trung cấp chính trị (năm 1995 chỉ có 1 người có trình độ cao cấp chính trị, không ai có trình độ trung cấp chính trị). Công tác tạo, bồi dưỡng cán bộ đi vào nền nếp và đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng cán bộ.

Nếu như trước năm 2005 bình quân mỗi năm chỉ tổ chức 1 đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán và hội thẩm, thì từ năm 2005 đến nay đã tổ chức mỗi năm 2 đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho cả 4 chức danh tư pháp là thẩm phán, hội thẩm, thư ký Tòa án và thẩm tra viên. Đặc biệt, trong 9 năm gần đây đã tổ chức tập huấn cho trên 8.000 lượt cán bộ (bình quân 800 lượt người/năm) và 100% Thẩm phán mới bổ nhiệm đều qua lớp đào tạo cán bộ Thẩm phán.

Về hoạt động xét xử đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang. Thể hiện qua tổng số vụ việc các loại được thụ lý là 119.725 vụ, trong đó đã giải quyết 116.025 vụ việc (đạt 96,9%).

Về cơ sở vật chất đã được bổ sung và trang bị đủ để đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác. Cụ thể, đối với trụ sở làm việc, trừ 2 đơn vị mới thành lập là TAND huyện Tân Phú Đông và TAND TX. Cai Lậy, các đơn vị khác đều có trụ sở khang trang, đáp ứng được yêu cầu hoạt động của Tòa án (trong khi đó 20 năm trước nhiều đơn vị chỉ có trụ sở nhỏ khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu).

Song song đó, trang thiết bị và kinh phí hoạt động của tất cả các đơn vị Tòa án trong tỉnh đều được cấp đầy đủ máy vi tính, máy phô tô, loa, amply... Hiện nay mỗi thẩm phán đều được trang bị 1 máy vi tính (trong khi 20 năm trước toàn tỉnh chỉ có 1 máy vi tính trang bị cho TAND tỉnh) và TAND 2 cấp đã bước đầu thực hiện tin học hóa trong hoạt động giải quyết án.

Về công tác thi đua đã có sự tiến bộ, đạt được nhiều thành tích cao: Đơn vị, các tập thể và cá nhận đã nhận nhiều Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và của UBND tỉnh.

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG THÀNH TỰU

Về khách quan, trước hết do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của TAND Tối cao và của Tỉnh ủy. Đây là những tiền đề, cơ sở hết sức quan trọng tạo sức bật cho công tác xét xử cũng như trong việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất của TAND 2 cấp. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền như Nghị quyết 08-NQ/BCT, Nghị quyết 49-NQ/BCT về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố vị trí của Tòa án trong bộ máy Nhà nước cũng như tầm quan trọng của hoạt động xét xử trong tiến trình cải cách tư pháp.

Về phía Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Hình sự năm 2009, Luật Tố tụng hành chính… Đặc biệt là việc ban hành Hiến pháp năm 2013… đã tạo cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để kiện toàn và xây dựng hệ thống TAND vững mạnh cũng như nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Ngoài ra, còn có sự quan tâm hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan Tư pháp của tỉnh và các cơ quan hữu quan, chính quyền cấp huyện, cấp xã giúp TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang có nhiều thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.

Về chủ quan, trước hết là do tập thể cán bộ lãnh đạo TAND tỉnh có sự năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới về phương pháp làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phát huy được trí tuệ tập thể, đoàn kết trong nội bộ, gương mẫu trong hành động, bảo đảm tính dân chủ trong lãnh đạo, quản lý và điều hành.

Tập thể cán bộ, công chức TAND 2 cấp trong tỉnh đã đề cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như trong xây dựng cơ quan, đơn vị mình ngày càng trong sạch, vững mạnh.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang trong 20 năm qua, với những thành tựu như vừa nêu có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: Phải tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở và Ban Cán sự Đảng đối với TAND 2 cấp. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc TAND 2 cấp xây dựng và phát huy được vai trò, vị trí trong tiến trình cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của TAND.

Cùng với việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, đồng thời phải làm sao nâng cao được hiệu quả hoạt động của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang. Đây là một yêu cầu tất yếu, bởi lẽ chỉ có thông qua việc thực hiện tốt và đồng bộ các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/BCT của Bộ Chính trị thì mới có thể đổi mới và nâng cao được hiệu quả hoạt động của Tòa án và ngược lại. Muốn vậy, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở và Ban Cán sự Đảng là hết sức quan trọng.

Thực tiễn 20 năm qua, với những thành tựu như nêu trên, đã chứng minh rõ điều này. Phải bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn và sở trường, cũng như tạo thuận lợi về nơi công tác. Đây là yếu tố tạo sự ổn định về tư tưởng cán bộ và tạo ra hiệu quả của công tác cán bộ và chất lượng công tác chuyên môn.

Một trong những giải pháp tích cực được triển khai từ năm 2010 đến nay là tăng cường bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, nhờ vậy đã tạo sự an tâm tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức và giúp nâng cao chất lượng giải quyết án của các đơn vị.

Song song đó, phải đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm và thư ký Tòa án, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật và kinh nghiệm xét xử; bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng giải quyết án.

Đứng trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng giải quyết án trong điều kiện lượng án ngày càng tăng cao (năm sau cao hơn năm trước), một vấn đề đặt ra là phải kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật, kịp thời rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm và thư ký Tòa án để bảo đảm nâng cao chất lượng giải quyết án là một vấn đề khó.

Tuy nhiên, với tinh thần chủ động và sáng tạo, lãnh đạo TAND tỉnh đã quyết định chọn giải pháp đẩy mạnh và tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm và thư ký Tòa án.

Từ năm 2005 đến nay, TAND tỉnh đã thường xuyên tổ chức hàng năm 2 đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và trao đổi kinh nghiệm xét xử cho toàn bộ thẩm phán, hội thẩm và thư ký (chưa tính số cán bộ được cử đi tập huấn do TAND Tối cao tổ chức). Chỉ trong 10 năm (từ 2005 đến 2015) đã tập huấn cho trên 8.000 lượt thẩm phán, hội thẩm và thư ký (bình quân trên 800 lượt cán bộ/năm).

Biện pháp trên đã tạo hiệu quả về nâng cao chất lượng giải quyết án, do đó dù lượng án tăng cao nhưng chất lượng giải quyết án cũng tăng theo. Chỉ tính năm 2014 số án bị hủy chỉ còn 89 vụ/10.869 vụ đã giải quyết, chiếm tỷ lệ 0,82%, là tỷ lệ thấp nhất trong những năm gần đây.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là biện pháp nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức TAND 2 cấp. Đoàn kết nội bộ là một yêu cầu và là tiền đề quan trọng nhằm tạo sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ của Tòa án. Muốn vậy, cần phải bảo đảm tính dân chủ trong hoạt động của Tòa án.

Việc bảo đảm dân chủ tức bảo đảm sự công khai, minh bạch và lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức trong mọi hoạt động của Tòa án, giúp cán bộ, công chức nắm vững công việc, tạo sự tin tưởng vào lãnh đạo. Về phía lãnh đạo phải chịu khó lắng nghe, giải quyết kịp thời mọi ý kiến phản ảnh của cấp dưới để có kế hoạch, biện pháp thích hợp, tạo hiệu quả cao nhất trong lãnh đạo và điều hành.

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ, ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 71/1998/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ của cơ quan, lãnh đạo TAND tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của văn bản trên.

Nhờ vậy, trong những năm qua, TAND 2 cấp trong tỉnh đã giữ vững được sự đoàn kết nội bộ, tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, kỷ luật công vụ ngày càng được tăng cường, góp phần đưa hệ thống TAND 2 cấp ở Tiền Giang phát triển lên tầm cao mới.

Đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo TAND 2 cấp. Đây là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án và nâng cao chất lượng xét xử.

Những năm qua, việc xây dựng và phát triển của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang diễn ra trong điều kiện Đảng và Nhà nước đang trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, do vậy nhiều thể chế, chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Mặt khác, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử chưa được đồng bộ và chưa theo kịp với thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, để có thể tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án và nâng cao chất lượng xét xử trong điều kiện như vậy đòi hỏi phải có sự chủ động, sáng tạo trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo TAND 2 cấp của tỉnh, đặc biệt là của tập thể cán bộ lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn xét xử như mạnh dạn, chủ động ban hành một số công văn hướng dẫn nghiệp vụ cũng như củng cố bộ máy nhằm tạo hiệu quả cao trong hoạt động mà không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

TRẦN NGỌC QUANG

(Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang)

.
.
.