Tổ chức thật tốt lấy ý kiến đóng góp Văn kiện ĐH XII của Đảng
Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Các cấp ủy cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức thiết thực”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố toàn văn “Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII” và “Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020)”.
Việc lấy ý kiến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin khác, nhằm động viên, tập hợp những ý kiến trí tuệ, tâm huyết vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng. Qua đó, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, kịp thời bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đến cuối tháng 8-2015, các đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở trong cả nước đã hoàn thành đại hội, nghiêm túc và kịp thời tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên và dự thảo văn kiện của T.Ư. Báo cáo tổng hợp tập trung vào các vấn đề:
Nhận xét chung; tổng hợp các ý kiến về nội dung; đề xuất kiến nghị. Trong đó, phần lớn ý kiến đều nhất trí cao, phân tích, làm sáng tỏ, góp ý sửa đổi một số nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp được nêu trong các dự thảo văn kiện.
Hầu hết ý kiến khẳng định thành tựu, nguyên nhân của những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, 30 năm đổi mới; những dự báo tình hình thế giới và đất nước; mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm (2016 - 2020); công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…
Tuy nhiên, chưa có nhiều ý kiến nêu lên những khuyết điểm, hạn chế và phân tích sâu sắc nguyên nhân khách quan, chủ quan; quan điểm, đường lối, dự báo tình hình trong nước và thế giới, góp phần tổng kết thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa,...
Chúng ta đã bước sang thế kỷ mới được 15 năm. Công cuộc đổi mới đất nước trong gần 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đạt được những thành tựu đó là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trước những đòi hỏi đó và trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, những thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải thể hiện bản lĩnh vững vàng, nắm vững và vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm bắt xu thế thời đại, tôn trọng quy luật khách quan, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ.
Để đông đảo nhân dân nắm được những nội dung cơ bản trong các dự thảo văn kiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị cần tổ chức thật tốt việc phổ biến, quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân.
Căn cứ đặc thù, tình hình cụ thể của các địa phương, đơn vị, để có những hình thức tổ chức phù hợp, sáng tạo, thiết thực, thu hút được nhiều ý kiến có chất lượng. Các ý kiến được đăng trên báo chí mang tính khoa học và thực tiễn, khách quan, toàn diện, tôn trọng những vấn đề có tính nguyên tắc, bám sát những gợi ý thảo luận của Trung ương.
Nội dung đóng góp cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, tránh để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng việc góp ý kiến để phát tán thông tin, đưa ra những quan điểm sai trái, tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, phủ nhận Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân diễn ra trong hơn một tháng rưỡi, được tiến hành đồng thời với việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc T.Ư. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối của năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015).
Đây là những công việc rất khẩn trương, quan trọng, đòi hỏi tinh thần rất cao, ý thức trách nhiệm rất lớn của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Đây cũng là dịp để phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Vì vậy, cần tổ chức thật tốt, có kế hoạch cụ thể, bảo đảm thời gian và tiến độ, tránh việc tổ chức góp ý kiến một cách hình thức, chiếu lệ.
Chúng ta trân trọng và chờ đón những tiếng nói tâm huyết, trí tuệ của đồng chí, đồng bào trong nước và đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước. Những ý kiến quý báu đó thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, góp phần chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng.
(Theo nhandan.com.vn)