Tòa án tỉnh Mỹ Tho, Gò Công trong công cuộc xây dựng&bảo vệ Tổ quốc
Ngày 30-4-1975, cùng với phong trào cách mạng của cả nước, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi trọn vẹn, chính quyền về tay nhân dân, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công cùng nhân dân cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tháng 4-1976, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho. Ngày
16-4-1976, Bộ Tư pháp (thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) ban hành Nghị định 07-BTP/NĐ về việc thành lập 21 Tòa án thuộc các tỉnh phía Nam, trong đó có Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang (sau đây viết là TAND tỉnh), trụ sở đặt tại số 30, đường Lê Lợi, phường 1, TP. Mỹ Tho. Đồng chí Phan Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đảm nhận chức vụ Chánh án và đồng chí Nguyễn Hữu Thế đảm nhận chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh.
Đoàn cán bộ TAND Tối cao do đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao dẫn đầu, đến thăm và làm việc tại Tiền Giang năm 2013. |
Sau khi TAND tỉnh được thành lập, đã lần lượt thành lập TAND TP. Mỹ Tho và TAND các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Châu Thành, Gò Công. Tháng 5-1979, do yêu cầu tách huyện, TAND huyện Gò Công Tây ra đời và đi vào hoạt động.
Trụ sở làm việc của các tòa án cấp huyện còn rất khó khăn, thậm chí có tòa án cấp huyện khi xét xử phải tổ chức trong nhà dân, đình, chùa… Cán bộ tòa án có những lúc còn phải điều sang làm nhiệm vụ của các ngành khác. Toàn hệ thống TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang đến cuối năm 1976 thực hiện được 50% biên chế. Các chức danh Thẩm phán cấp tỉnh, cấp huyện do Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp bầu theo nhiệm kỳ của HĐND.
Sự ra đời của Hiến pháp năm 1980 và sau đó là Pháp lệnh Tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (năm 1981) quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Viện Kiểm sát đã tạo thuận lợi cho hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, đưa hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát đi vào nền nếp. TAND tỉnh trước đây chưa có Tòa chuyên trách, chỉ phân công Thẩm phán luân phiên tham gia xét xử án hình sự, án dân sự. Sau khi có Pháp lệnh Tổ chức TAND năm 1981 thì TAND tỉnh thành lập 2 Tòa chuyên trách là Tòa hình sự, Tòa dân sự và các bộ phận chuyên môn khác để các đồng chí Thẩm phán chuyên sâu vào hoạt động xét xử.
Từ năm 1983 - 1986, TAND tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra là kiên quyết chống tệ tham ô, trộm cắp tài sản XHCN, tệ hối lộ, ức hiếp quần chúng và thiết lập trật tự XHCN trên lĩnh vực lưu thông phân phối, kiên quyết ngăn chặn tệ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, củng cố thị trường XHCN, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Nhiều vụ án hình sự được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong thời gian này và đã được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đến năm 1985, đồng chí Võ Hữu Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo, được HĐND tỉnh bầu làm Chánh án, thay đồng chí Phan Bình. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, nguyên Chánh án huyện Cai Lậy, được HĐND tỉnh bầu làm Thẩm phán TAND tỉnh, sau đó đồng chí được bầu làm Phó Chánh án TAND…
Từ năm 1986 - 1995, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngành Tư pháp nói chung và ngành Tòa án nói riêng được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng về tổ chức và nâng cao chất lượng chuyên môn. Từ khi có Hiến pháp năm 1992, nhất là có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, cán bộ chuyên môn được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở vật chất phục vụ cho xét xử từng bước được xây dựng và củng cố.
Bên cạnh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội phát triển thì tình hình =tội phạm lại phát sinh và diễn biến phức tạp, đa dạng hơn. Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử, nghiêm trị bọn cướp của giết người với mức án nghiêm khắc.
Điển hình trong loại tội phạm này là vụ băng cướp có vũ khí do tên Nguyễn Hữu Phước cầm đầu, gây xôn xao dư luận trong tỉnh, kẻ phạm tội đã bị trừng trị thích đáng: 3 tên đã bị tuyên phạt án tử hình, sau đó 2 tên được Chủ tịch nước cho ân giảm xuống mức án chung thân (tên Phước bị tử hình)…
Với sự nỗ lực đó, năm 1984 TAND tỉnh được Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen. Trong các năm 1988 - 1993, TAND tỉnh và các tòa chuyên trách như Tòa dân sự, Tòa hình sự đều được Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 1994, TAND tỉnh được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc”. Tòa dân sự, Tòa hình sự được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen.
Giai đoạn 2002 - 2015 là giai đoạn đất nước ta có sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trong đó hệ thống TAND nói chung và TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tháng 5-2008 TAND huyện Tân Phú Đông ra mắt. Tháng 4-2014, thành lập TAND TX. Cai Lậy. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 11 đơn vị Tòa án cấp huyện.
Trong 40 năm (1975 - 2015), TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Về tổ chức bộ máy đã được kiện toàn, có sự ổn định và phát triển vững chắc.
Trình độ chuyên môn và chính trị của đội ngũ cán bộ đã có sự phát triển vượt bậc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đi vào nền nếp, đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng cán bộ. Hoạt động xét xử đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang.
Công tác thi đua đã có sự tiến bộ vượt bậc, đạt được nhiều thành tích xuất sắc, cụ thể là trong 20 năm gần đây (từ năm 1995 - 2015) đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba, 13 Bằng khen của Chính phủ, 43 Bằng khen của Bộ Tư pháp, 56 Bằng khen của TAND Tối cao…
HỒNG LÊ
(Tổng hợp)