Thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang phát huy những lợi thế của tỉnh, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt được những kết quả quan trọng. Phần lớn các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo Ấp Bắc có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang về những thành tựu nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc thăm hỏi gia đình chính sách ở huyện Cai Lậy. Ảnh: N.C |
* Phóng viên (PV): Bí thư Tỉnh ủy đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật của Đảng bộ tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua?
* Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc: Qua 5 năm nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đạt được kết quả quan trọng, các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra cơ bản đều đạt và vượt. Quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá (đạt 11%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt mục tiêu đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch sinh hoạt được tập trung đầu tư. Chương trình xây dựng nông thôn mới và đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đạt một số kết quả tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm (bình quân 2.145 USD, Nghị quyết: 2.130 - 2.230 USD).
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm; giải quyết việc làm, giảm nghèo có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng có chuyển biến rõ nét. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt nhiều kết quả. Công tác dân vận của Đảng ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, tinh thần dân chủ được phát huy sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo đạt nhiều kết quả tốt.
Công tác xây dựng Đảng có bước chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến tốt, tác động tích cực đến việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; những việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân cơ bản được giải quyết, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên.
Những kết quả của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và công cuộc đổi mới của tỉnh gần 30 năm qua.
* PV: Nguyên nhân, giải pháp nào Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, thực hiện đạt được những kết quả quan trọng vừa nêu trên, thưa ông?
* Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương; kịp thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với giải quyết những vấn đề bức xúc; chú trọng tổng kết thực tiễn.
Điều quan trọng là sự đoàn kết, thống nhất và tập trung của cả hệ thống chính trị. Chính sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành, sự nỗ lực trong điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền vận động nhân dân của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân và sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và của các bộ, ngành Trung ương là nhân tố bảo đảm để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp thực tế, có tính khả thi. Ban Chấp hành Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; phân công cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của từng ngành, địa phương trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với việc phân công, bố trí hợp lý. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, điều động cán bộ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ; phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* PV: Những bài học kinh nghiệm gì được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh, thưa ông?
* Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc: Những bài học kinh nghiệm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ vừa qua có thể khái quát như sau: Trong lãnh đạo phải cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh bằng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế; chú trọng phân tích, dự báo tình hình để có giải pháp thực hiện phù hợp.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của các cấp ủy và tổ chức Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; có quyết tâm chính trị cao, có giải pháp khả thi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Có cơ chế, chính sách tốt để huy động, thu hút nguồn nhân lực, vốn và thành quả tiến bộ của khoa học - công nghệ, xem đây là nhân tố quan trọng bổ trợ cho sự khiếm khuyết trước mắt của tỉnh về nguồn nhân lực, vốn đầu tư và khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc. Coi trọng công tác cải cách hành chính, công tác dân vận gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở, dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, tích cực phấn đấu vì mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ động phát huy nội lực; đồng thời tranh thủ ngoại lực, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để cùng phát triển.
* PV: Xin ông cho biết mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới?
* Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc: Những mục tiêu của Đảng bộ tỉnh cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới là nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ; tăng cường đoàn kết và thống nhất trong hệ thống chính trị; công tác cán bộ phù hợp với từng giai đoạn phát triển mới; phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường thu hút đầu tư; phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, các thành phần kinh tế.
Phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 Tiền Giang là tỉnh phát triển bền vững trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng bộ cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển, cụ thể như: Phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong mối quan hệ tổng thể, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kêu gọi các dự án xã hội hóa; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng các đô thị thành phố, thị xã, trung tâm huyện; tập trung đầu tư xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành đô thị loại I, xây dựng thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy thành đô thị loại III trong giai đoạn 2015 - 2020.
Phát triển nhanh các ngành kinh tế, hình thành các vùng trọng điểm, tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất từng ngành, từng lĩnh vực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong, ngoài tỉnh và nước ngoài về công tác, làm việc, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, ổn định chính trị - xã hội, phòng ngừa ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng; tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao mức sống cho nhân dân.
* PV: Xin cảm ơn ông!
LÊ HUỲNH (thực hiện)