Công tác dân vận nhiệm kỳ qua đạt được những kết quả đáng trân trọng
Nhìn lại 5 năm quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, công tác dân vận trong tỉnh đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể đã tăng cường quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, nhất là thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Theo đó, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác dân vận.
Ông Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (thứ 3 từ phải sang) nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ tặng Ban Dân vận Tỉnh ủy. |
Việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị theo Quyết định 290 của Bộ Chính trị (Khóa XI) và Quyết định 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có bước chuyển biến mới, các cấp ủy quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận. HĐND và UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC).
Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã vận động, phát huy ngày càng mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, vừa khắc phục khó khăn, chăm lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo…; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thi hành công vụ theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Công tác dân vận chính quyền gắn sát với yêu cầu xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” và thực hiện phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Sáng 15-10, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tổ chức Họp mặt kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2015). Buổi họp mặt nhằm ôn lại truyền thống công tác Dân vận của Đảng trong 85 năm qua, báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và khen thưởng các điển hình dân vận khéo… |
Bên cạnh đó, hệ thống Dân vận, MTTQ và đoàn thể các cấp được củng cố, kiện toàn; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ hợp lý hơn, phát huy tính chủ động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò tự quản của nhân dân trong cộng đồng dân cư; phát huy vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Các hoạt động thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của từng tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng ở địa phương được tổ chức ngày càng chặt chẽ, có trọng tâm, hiệu quả thiết thực, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả trong công tác dân vận. Nổi bật là phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới,
xây dựng đô thị văn minh…
Tuy nhiên, công tác dân vận trong tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế như: Kết quả thực hiện một số chính sách đối với nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, doanh nhân, người dân tộc… chưa đạt yêu cầu. Vai trò tham mưu của Ban Dân vận với cấp ủy còn chậm ở một số lĩnh vực có tính bức xúc, nhạy cảm; biên chế cán bộ trong Khối Dân vận từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu so với yêu cầu công việc.
Mặt khác, cán bộ trong các đoàn thể thường xuyên biến động; đào tạo cán bộ làm công tác dân vận chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn; trình độ nhận thức và năng lực cán bộ chưa đồng đều, nên việc xử lý tình huống dân vận còn lúng túng; chế độ, chính sách cán bộ còn bất cập; nguồn lực và phương tiện phục vụ hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở còn thiếu thốn…
Để tham gia triển khai, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cũng như sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, cần thực hiện các giải pháp sau:
Trước hết, cần tiếp tục xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương và của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trọng dân, gần dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, làm theo.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể về vai trò, vị trí của nhân dân và về tầm quan trọng của công tác dân vận; thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, coi trọng phối hợp giữa chính quyền với Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể.
Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan báo, đài để người dân có đủ thông tin, mạnh dạn bày tỏ chính kiến và phát huy dân chủ trực tiếp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao cảnh giác cách mạng trong nhân dân trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao chất lượng chính trị của đoàn viên, hội viên. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ Mặt trận, các đoàn thể có phẩm chất chính trị, có năng lực thực tiễn, có kỹ năng “dân vận khéo”. Khắc phục dần những khó khăn về cơ sở vật chất để Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở hoạt động có chất lượng, hiệu quả hơn.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt Quy chế về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Sáu là, đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, phát triển công nghiệp… nhằm củng cố, tạo lòng tin trong nhân dân, giữ vững mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
BÙI THÁI SƠN
(Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)