Thứ Sáu, 30/10/2015, 14:21 (GMT+7)
.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự án Luật Tố tụng hành chính

Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tố tụng hành chính và tham gia góp ý 5 nội dung như sau:

Một là, về việc có quy định thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ hay không, đề nghị cần phải quy định thẩm quyền của tòa án đối với các khởi kiện của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với loại việc này. Bởi vì các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ không đơn thuần là chỉ đạo, điều hành, mà nhiều quyết định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (quyết định về tổ chức cán bộ, kỷ luật…).

Ở đây chúng ta chỉ nói sa thải mới thuộc thẩm quyền của tòa án, còn quyết định kỷ luật, quyết định nâng lương, quyết định thay đổi nơi làm việc… đều liên quan đến cán bộ, công chức và viên chức; khi phát sinh khiếu nại thì thực hiện việc giải quyết khiếu nại theo hướng thủ trưởng quyết định, thủ trưởng cấp đó hoặc thủ trưởng cấp trên xem xét giải quyết, như vậy “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là không đảm bảo khách quan. Do vậy, đề nghị thẩm quyền giải quyết này nên quy định giao tòa án thụ lý giải quyết bằng thủ tục tư pháp minh bạch, công khai, đảm bảo quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người khởi kiện thì hiệu quả của việc giải quyết này sẽ tốt hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của công dân.

Hai là, về phân định thẩm định của tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện, TAND cấp tỉnh, tán thành với quy định đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết vụ án.

Hiện nay, mặc dù chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án được độc lập xét xử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tính độc lập của thẩm phán trong xét xử ít nhiều sẽ bị chi phối; vì vậy việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện sẽ đảm bảo tính khả thi trong việc giải quyết các khiếu kiện này.

Ba là, tổ chức bổ sung phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, tán thành nội dung không quy định thêm thủ tục thẩm phán phải tổ chức phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ.

Điều này một mặt làm kéo dài thêm quá trình tố tụng không cần thiết, mặt khác không phù hợp với đặc thù của tố tụng hành chính, vì đặc thù của tố tụng hành chính là sự bất tương xứng về quyền lực giữa một bên nguyên đơn là cá nhân hoặc doanh nghiệp, một bên bị đơn là cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền quản lý hành chính.

Do vậy, để nâng cao chất lượng trong tranh tụng, trong tố tụng hành chính cần phải rà soát, chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của bị đơn, nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện thuộc trách nhiệm của bị đơn, quy định về trường hợp bắt buộc phải tham gia phiên tòa của bị đơn.

Bốn là, về thủ tục rút gọn, thống nhất với quy định bản án quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm cũng có thể được áp dụng theo thủ tục rút gọn về hồ sơ, thành phần tham gia, hoặc có thể áp dụng xét xử bút lục.

Quy định này một mặt vừa phải đảm bảo mục tiêu rút ngắn về thời gian tố tụng, đơn giản hóa về thủ tục, bảo đảm việc giải quyết được nhanh chóng, hiệu quả, không tốn kém cho đương sự; mặt khác vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chế độ sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm theo quy định tại khoản 6, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.

Năm là, về thi hành án: Để góp phần thúc đẩy những hạn chế trong công tác thi hành án hành chính hiện nay, đề nghị cần xem xét những vấn đề sau đây:

Một là, cần có những quy định mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành án, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Cụ thể hơn là cần quy định chặt chẽ, chi tiết trong dự thảo về cơ chế, chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không chấp hành nghiêm túc bản án, quyết định của tòa án để phù hợp với nguyên tắc bản án quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng.

Cơ quan, tổ chức cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều 106, Hiến pháp năm 2013; đồng thời, với các trường hợp cơ quan, cá nhân ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính không nghiêm chỉnh chấp hành bản án quyết định của tòa án hoặc ban hành quyết định mới có nội dung như quyết định hành chính đã bị tòa án tuyên hủy trước đó thì cần phải nghiêm khắc xử lý (bằng xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự) theo quy định của pháp luật.

Hai là, không nên quy định người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho tòa án bản sao bản án, quyết định của tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh mình có đơn đề nghị hợp lý nhưng người phải thi hành án không thi hành án, vì quy định các tài liệu khác có liên quan sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tố tụng hành chính; đồng thời việc quy định đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án không thi hành án, trong trường hợp này không phù hợp với quyền đương nhiên được thi hành án của người thi hành án sau khi bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, vì quy định như vậy được hiểu là người được thi hành án phải gửi đơn đề nghị thi hành án cho người phải thi hành án mới được thi hành án.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.