Đại biểu Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi)
Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến đóng góp, tập trung vào 2 vấn đề sau:
Một là, về nguyên tắc kế toán có quy định: Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả luôn biến động theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp đồng.
Như vậy, quy định này rất dễ tạo kẽ hở để phát sinh các trường hợp ghi khống, ghi giá trị ảo của tài sản trong hợp đồng, gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát, đánh giá giá trị thực của tài sản. Do vậy, đề nghị dự thảo luật xem xét bổ sung quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để xác định loại tài sản được điều chỉnh theo giá trị hợp lý, tránh tình trạng tùy tiện trong ban hành danh mục và tổ chức thực hiện trong quá trình triển khai thực thi Luật Kế toán.
Hai là, dự thảo luật quy định về điều kiện đối với người được cấp chứng chỉ kế toán viên là quá khắt khe và không cần thiết đối với ngành nghề này. Cụ thể, việc quy định tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên là không cần thiết, mà chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên cũng có thể thực hiện được.
Ngoài ra, đối với quy định có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học sẽ gây khó khăn cho một số cá nhân đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; bởi lẽ, thực tế hiện nay ở nước ta, một số ngành nghề dịch vụ cần chứng chỉ khác như luật sư cũng không yêu cầu cần thiết về thời gian làm việc thực tế quá nhiều.
Mặt khác, nghề dịch vụ kế toán cũng như những ngành nghề khác trong xã hội có khi đơn thuần là thao tác hạch toán, chỉ cần chính xác, tỉ mỉ, khoa học và có đào tạo là được, không nhất thiết phải có quá nhiều thời gian công tác thực tế trước khi đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định hợp lý, phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh tế và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kế toán.
ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)