Thứ Sáu, 30/10/2015, 11:23 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự

Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) tham gia góp ý và kiến nghị những nội dung cụ thể như sau:
 

 1. Về những nội dung góp ý

Một là, về “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” (Điều 5): Đề nghị bổ sung vào điều này 1 khoản là khoản 3, với nội dung quy định như sau: Nghiêm cấm hành vi cản trở quyền thực hiện khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhằm phòng ngừa việc gây ra khó khăn cho người khởi kiện thực hiện quyền của mình.

Hai là, về “Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 12): Đề nghị thể hiện lại tên điều này như sau: “Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự”, bỏ đoạn “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, vì đã được quy định ở nội dung khoản 1, điều này.
 
Ba là, về “Chứng cứ” (Điều 93): Đề nghị thay cụm từ “mà Tòa án dùng” bằng cụm từ “có giá trị chứng minh”, vì việc thay cụm từ như trên nhằm bảo đảm sự chính xác về từ ngữ và phù hợp với thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính hợp pháp và tính liên quan); đồng thời làm rõ ý nghĩa, nội dung của chứng cứ, tránh sự áp đặt chủ quan của Tòa án.
 
Như vậy, Điều 93 được thể hiện lại như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định có giá trị chứng minh làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
 
Bốn là, về “Thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên tòa” (Điều 235): Đề nghị thay cụm từ “biên bản phiên tòa” bằng cụm từ “biên bản nghị án” cho phù hợp, vì theo quy định tại khoản 2, Điều 264 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) thì trong phòng nghị án chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử mà không có Thư ký phiên tòa tham gia; và tại khoản 3, Điều 264 cũng quy định “Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án”.
 
Vì vậy, việc quy định phải ghi vào biên bản phiên tòa là không hợp lý, mà phải ghi vào biên bản nghị án. Do đó, khoản 3, Điều 235 đề nghị thể hiện lại như sau: “Quyết định về các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải viết thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản nghị án”. 
 
Năm là, về “Chuẩn bị xét đơn yêu cầu” (Điều 391): Tên điều luật là “Chuẩn bị xét đơn yêu cầu”, nhưng nội dung điều luật quy định “việc đình chỉ xét đơn yêu cầu”. Vì vậy, đề nghị sửa tên Điều luật là: “Đình chỉ xét đơn yêu cầu” để phù hợp với nội dung.  
 
2. Về những nội dung kiến nghị
 
Để những quy định của dự án luật sau khi Quốc hội thông qua thực hiện được ngay, không cần văn bản quy định chi tiết, đề nghị bổ sung những điều mới để quy định về:
 
Một là, hình thức đại diện theo ủy quyền và phạm vi đại diện theo ủy quyền vào tiếp sau Điều 86 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét tư cách đại diện; đồng thời tạo thuận lợi cho đương sự thực hiện thủ tục ủy quyền, đảm bảo áp dụng thống nhất thủ tục ủy quyền tại Tòa án.
 
Hai là, quy định về nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào liền sau Điều 114 nhằm tạo sự thống nhất trong việc ban hành quyết định này. 
 
Ba là, quy định về thụ lý vụ án bị hủy vào sau Điều 195 “Thụ lý vụ án” để thực hiện thống nhất khi bộ luật có hiệu lực thi hành.
 
Bốn là, quy định về việc sửa chữa, bổ sung quyết định vào liền sau Điều 220 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bổ sung, sửa chữa, khắc phục thiếu sót trong việc ban hành quyết định của Tòa án, gồm quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ vụ án.
 
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
.
.
.