Lê Thị Hồng Gấm: Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của tỉnh ta
Ngày 18-4-1970, trên đường công tác, nữ Xã đội phó Lê Thị Hồng Gấm cùng 2 đồng chí của mình bị địch phát hiện. Hai chiếc HU 1A chở đầy lính sà xuống, chúng dự định sẽ đổ quân bao vây bắt sống cả 3 người. Trước tình thế nguy cấp, Hồng Gấm vẫn bình tĩnh nói với đồng đội:
- Tôi có súng, tôi ở lại chiến đấu để thu hút chú ý của địch, các đồng chí chạy nhanh vào mé vườn chắc chắn sẽ thoát thôi, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”!
Đồng đội của Hồng Gấm còn do dự, Hồng Gấm liền hét: “Hai đồng chí chạy nhanh đi, không còn kịp nữa đâu!”
Còn lại một mình, Hồng Gấm dựa vào bờ ruộng để chiến đấu. Hai chiếc trực thăng phát hiện Hồng Gấm bắn trả, chúng lượn quanh bắn dữ dội hòng huy hiếp tinh thần và phát loa kêu gọi Hồng Gấm đầu hàng. Chẳng những không hề khiếp sợ trước bầy quỷ dữ, Hồng Gấm còn đủ bình tĩnh dựa vào bờ ruộng bắn trả rất chính xác từng loạt đạn một làm cho một trong hai chiếc trực thăng bị trúng đạn rơi tại chỗ. Chiếc còn lại khiếp sợ cất cánh lên bay ra khỏi tầm bắn của Hồng Gấm, sau đó đổ quân bao vây và dùng loa không ngớt gọi hàng.
Trong lúc chiến đấu, Hồng Gấm bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường bắn trả đến viên đạn cuối cùng, diệt được thêm một số lính bộ binh. Đến lúc hết đạn, quyết không để giặc bắt cũng như tịch thu vũ khí, Hồng Gấm lấy hết sức còn lại đập gãy súng, xong đứng phắt dậy chĩa thẳng phần súng còn lại về phía địch. Bất ngờ, địch không hiểu được ý chị, chúng hoảng hốt đồng loạt nổ súng, chị hy sinh trong tư thế tiến công.
Hồng Gấm sinh năm 1951, trong một gia đình nông dân ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Sống và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, Hồng Gấm cũng như bao thanh nhiên khác của xã Long Hưng sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.
Những năm đầu Hồng Gấm hoạt động trong đội du kích mật. Hồng Gấm rất dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo và mưu trí trong những lần phải đối diện với kẻ thù. Hơn 10 lần, Hồng Gấm bị địch tình nghi giữ lại để tra hỏi nhưng Hồng Gấm vẫn bình tĩnh đối phó, dùng lời lẽ hợp tình, hợp lý khiến địch phải thả ra. Trong công tác, nhiều lần Hồng Gấm đã cùng đồng đội hoặc một mình đánh địch, lập được nhiều chiến công.
Từ tháng 12 năm 1967 đến tháng 5 năm 1968, Hồng Gấm được rút lên làm giao liên vành đai Bình Đức. Tổ của Hồng Gấm có 3 người đều là nữ. Địa bàn hoạt động của tổ tuy không rộng lắm nhưng rất gian khổ và ác liệt và phải chịu sự đánh phá ngày đêm của cả ngụy lẫn Mỹ. Sau Mậu Thân 1968, địch điên cuồng phản kích, tổ giao liên của Hồng Gấm bị mất mát hy sinh chỉ còn lại một mình, trong khi khối lượng công việc ngày một gia tăng nhưng Hồng Gấm vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ dù rằng có ngày phải đi 7 - 8 chuyến để chuyển tài liệu kịp thời về cho các xã.
Tháng 12-1968, Hồng Gấm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng và được điều về làm Xã đội phó Long Hưng. Lúc này Xã đội Long Hưng chịu nhiều tổn thất vì địch tổ chức phản kích ác liệt bằng bom pháo và càn quét, Hồng Gấm cùng với xã đội củng cố lại lực lượng, xây dựng lại các cụm, các ấp chiến đấu, kiên cường bám trụ đánh địch quyết liệt, quyết tâm giữ vững từng tất đất, ngọn rau của quê hương. Đội du kích của Hồng Gấm dẫn đầu đã được nhân dân đùm bọc, che giấu, cung cấp tin tức để vào tận nhà trừng trị những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.
Trên đường công tác, Hồng Gấm đã hy sinh thân mình cho đồng đội được sống. Đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lê Thị Hồng Gấm cùng đồng đội chiến đấu 49 trận, giết và làm bị thương 219 tên địch, có 22 tên Mỹ, bắn rớt 1 máy bay.
Đồng chí được tặng 4 Bằng khen, 3 Bằng dũng sĩ diệt Mỹ, 1 Huân chương chiến công hạng Nhì. Ngày 20-9-1971, Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Huân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Đây là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được phong tặng đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang chúng ta.
Lê Thị Hồng Gấm mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo.
Từ tấm gương chiến đấu kiên cường của người nữ du kích anh hùng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cảm xúc sáng tác nhạc phẩm “Những cánh chim Hồng Gấm” được nhiều người yêu thích.
TẤN ĐỜI
Nguồn: Đất Long Hưng – của BCH Đảng bộ huyện Châu Thành, Tiền Giang – xuất bản 2001- trang 178 -181