Thứ Tư, 14/10/2015, 05:55 (GMT+7)
.
Những dấu ấn qua 5 năm thực hiện Nghị quyết IX, Đảng bộ tỉnh

Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH: Thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, bảo đảm ASXH

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, các cấp ủy đã lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng và các đoàn thể thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.

Với vai trò nòng cốt, Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, với kết quả khả quan: 5 năm qua đã có trên 32.000 hộ thoát nghèo, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,16% (Nghị quyết 4,5 - 5%).

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương và của tỉnh về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội để các ngành, các cấp triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn, xuất khẩu lao động…, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện cuộc sống.

Đại diện nhà sản xuất điện thoại di động Nokia tặng máy may cho các hộ làm nghề nón bàng buông ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành.
Đại diện nhà sản xuất điện thoại di động Nokia tặng máy may cho các hộ làm nghề nón bàng buông ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành.

Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đã ưu tiên thực hiện các chính sách về công tác giảm nghèo, tạo cơ hội cho các hộ nghèo và cận nghèo cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên cơ sở khai thác tiềm năng đất đai, đặc điểm của từng vùng; đồng thời đa dạng hóa các ngành nghề phù hợp với từng đối tượng.

Song song đó, tổ chức dạy nghề cho các đối tượng lao động, gắn công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là, đã chú trọng huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường vận động các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các đoàn thể tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực như:

Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội và xây dựng nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống…

Thực tế cho thấy, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, để vươn lên thoát nghèo bền vững, giải pháp hiệu quả nhất là hỗ trợ vốn gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự vượt khó của bà con.

Những điển hình làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo như: Ở ấp Mỹ Hòa (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) có 25 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 463 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi dê đạt hiệu quả cao, vươn lên thoát nghèo.

Hay mô hình nuôi gà ri trên nền “Đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên ở ấp Phú Lợi B, xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo) không gây ô nhiễm môi trường, điều mà từ lâu nay hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn. Chỉ với 2 công đất vườn tạp cho thu nhập thấp, chị mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi gà ri với số lượng 5.000 con, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do ngành Nông nghiệp hướng dẫn, đã giúp gia đình chị sớm thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hay như gia đình anh Lê Quang Diền (ấp Tân Phát, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) với bao khó khăn, vất vả buổi đầu vào đây khai hoang 2 ha đất để trồng khoai mỡ, sau đó chuyển đổi sang trồng lúa nhưng vẫn không hiệu quả. Qua dự các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật và được hỗ trợ vốn, anh quyết định trồng chuyên canh cây khóm, cho hiệu quả kinh tế cao, làm giàu trên vùng đất mới này…

Thời gian qua, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện cù lao Tân Phú Đông, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân nơi đây và đẩy nhanh công tác xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng này.

Cụ thể, trong năm vừa qua đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 4 công trình với tổng số vốn trên 30,9 tỷ đồng. Cũng trong năm 2014, đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được Trung ương đầu tư 11 tỷ đồng để xây dựng 15 công trình với tổng trị giá 17,83 tỷ đồng.

Đối với các xã vùng này, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân giảm nghèo, thông qua phát triển các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp với đặc thù những vùng đất này.

Ngoài ra, hàng năm, quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nhiệt tình đóng góp tiền, hàng hóa ngày càng tăng dần, chỉ tính riêng năm 2014 đã đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng 357 căn nhà đại đoàn kết (trị giá 30 triệu đồng/căn); đồng thời các đoàn thể và các tổ chức từ thiện - xã hội vận động hỗ trợ cho người nghèo với tổng số tiền trên 90 tỷ đồng để xây tặng 320 căn nhà đại đoàn kết và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn, cơ nhỡ.

Bên cạnh đó, việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo được thực hiện tốt; ngành GD-ĐT thực hiện miễn hoặc giảm học phí cho con em hộ nghèo đúng quy định…

Trong 5 năm qua, đã giải quyết việc làm cho 112.900 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 4,1% vào năm 2010 xuống còn 2,5% vào năm 2015 (Nghị quyết dưới 4%). Hiện toàn tỉnh có 33 cơ sở dạy nghề, đã đào tạo nghề cho 22.580 lao động/năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 36% vào năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra.   

LÊ HUỲNH
(còn tiếp)

.
.
.