Thứ Tư, 07/10/2015, 15:44 (GMT+7)
.
Những dấu ấn qua 5 năm thực hiện Nghị quyết IX, Đảng bộ tỉnh

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bài 1: Phát triển công nghiệp đồng hành với tiến trình hội nhập kinh tế

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, chủ động xây dựng, triển khai các nghị quyết, chương trình công tác, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đảng bộ; đồng thời lãnh đạo, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động trong toàn ngành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ đề ra giai đoạn 2010 - 2015. Những thành tích nổi bật của ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được trong 5 năm qua đã được Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc…

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở NN-PTNT đã lãnh đạo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng “Nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân” đạt được kết quả bước đầu.

Tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển khá ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tiếp tục duy trì ở mức khá cao, tăng bình quân 5,2%/năm, giá trị tăng thêm khu vực I tăng bình quân 5,7%/năm (Nghị quyết là 4,3%).

Kết quả đó khẳng định hướng đi đúng theo Chương trình phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh và các chính sách của tỉnh ban hành về đầu tư đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển; việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường…

Du khách nước ngoài tham quan mô hình nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho).
Du khách nước ngoài tham quan mô hình nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho).

Những điểm nhấn nổi bật của ngành Nông nghiệp Tiền Giang thể hiện rõ nét nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đó là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả sản xuất; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được đầu tư đồng bộ; các trang thiết bị máy móc hiện đại từng bước được áp dụng vào quá trình sản xuất đã tạo nên diện mạo mới của nông thôn hôm nay.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất lúa bình quân 1,44%/năm (đạt 5,81 tấn/ha). Việc xây dựng mô hình Cánh đồng lớn được triển khai đồng bộ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hiện có gần 15.000 ha lúa sản xuất theo Cánh đồng lớn và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 140 ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; gần 3.200 ha áp dụng “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái” để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa; hơn 70% nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng”… Bước đột phát giai đoạn vừa qua trong sản xuất lúa là tập trung phổ biến giống chất lượng cao, phẩm chất tốt.

Với Chương trình phát triển kinh tế vườn ở Tiền Giang, cây ăn trái là thế mạnh của tỉnh, diện tích vườn cây ăn trái năm 2015 là 73.355 ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn; so với năm 2010, diện tích tăng 5.732 ha, sản lượng tăng 238,3 ngàn tấn, bình quân diện tích tăng 1,64%/năm, sản lượng tăng bình quân 4,47%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu sản lượng tăng 3,3%/năm).

Cơ cấu, chủng loại cây trồng chuyển dần sang chuyên canh và tập trung với sản lượng lớn cung cấp cho thị trường, chẳng hạn như vùng chuyên canh cây khóm ở huyện Tân Phước, cây thanh long ở huyện Chợ Gạo, cây sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), cây xoài cát Hòa Lộc ở huyện Cái Bè; thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm; đầu tư về hạ tầng các công trình thủy lợi, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng trái cây, đặc biệt chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài, hiện có 141 ha cây ăn quả đã áp dụng và duy trì việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đối với các sản phẩm như: Cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, sơ ri, nhãn, chôm chôm…

Kinh tế thủy sản cũng là ngành mũi nhọn của tỉnh, do vậy ngành Nông nghiệp tỉnh luôn chú trọng tập trung phát triển ở các địa phương có điều kiện thuận lợi, chủ yếu là nuôi cá điêu hồng trên bè; nuôi cá tra, nghêu, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…

Sản lượng thủy sản của tỉnh trong những năm vừa qua đã có bước chuyển biến tích cực, bình quân diện tích tăng 2,9%/năm, sản lượng tăng 2,9%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra là 2,7%/năm); đồng thời tích cực hỗ trợ trang thiết bị hiện đại cho các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Cụ thể, đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh hiện có 1.120 chiếc, công suất trung bình của máy chính đạt 224 CV (trong đó có 109 tàu khai thác vùng biển xa bờ). Việc chuyển dịch các nghề khai thác trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng hướng và đúng chủ trương của Nhà nước, giảm dần các tàu khai thác ven bờ và đẩy mạnh vươn khơi khai thác xa bờ.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay có 139/139 xã xây dựng đồ án quy hoạch nông thôn và 135/139 xã xây dựng đề án nông thôn mới được phê duyệt, dự kiến cuối năm 2015 có khoảng 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19/19 tiêu chí).

Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến năm 2015 có 96,5% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch (đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Các công trình thủy lợi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu cũng được ưu tiên đầu tư, tăng dần hàng năm, góp phần tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi.

Xác định hướng đi của ngành Nông nghiệp tỉnh là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng và bền vững, Đảng bộ Sở NN-PTNT với 239 đảng viên đang sinh hoạt ở 17 chi bộ trực thuộc không ngừng thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác.

Trong thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vận dụng sáng tạo các giải pháp tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ đề ra.

Trong quá trình thực hiện có xây dựng quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chịu trách nhiệm đối với công việc được giao; thường xuyên củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ và các đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.

LÊ HUỲNH (còn tiếp)

.
.
.