Cai Lậy trong khởi nghĩa Nam kỳ năm bốn mươi
Mệnh lệnh của Xứ ủy gửi đến Trạm giao liên Trung Lương của Ban khởi nghĩa tỉnh vào hồi 20 giờ ngày 22-11-1940. Mệnh lệnh ghi rõ: “0 giờ ngày 23-11 sẽ đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các đồn, thị trấn, nhà việc, cắt đứt các đường giao thông, nhất là lộ 4 Đông Dương, chặn đường không cho địch kéo về ứng cứu Sài Gòn. Sau khi ta chiếm được Sài Gòn thì quân khởi nghĩa của Xứ sẽ kéo về tỉnh phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm tỉnh lỵ”. Lập tức bằng mọi phương tiện mệnh lệnh được chuyển đi các nơi.
Ở Cai Lậy, mệnh lệnh khởi nghĩa được chuyển tới Mỹ Hạnh Đông lúc 2 giờ khuya ngày 23-11 và chuyển gấp đến tất cả các nơi. 3 giờ sáng, đồng chí Lê Văn Thơ, triệu tập Chi bộ Mỹ Hạnh Đông để nghe đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa và động viên các đồng chí quyết tâm thi hành nhiệm vụ.
Ngay sau đó trống mõ khắp nơi nổi lên, khoảng 400 quần chúng tập hợp có du kích dẫn đầu tiến thẳng tới nhà việc Mỹ Hạnh Đông, đốt hết sổ sách, trương cờ khẩu hiệu… Quần chúng kéo tới mỗi lúc một đông, khí thế đang lên như nước tràn bờ, 4 tên tề có tội là Hương thôn Vẹn, chủ Thơ, chủ Nuôi, hào Vương bị bắt, nhân dân quyết định tử hình tên Nuôi vì hắn có nhiều nợ máu với nhân dân, các tên khác sau khi giáo dục ta đã tha về. Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Hạnh Đông đã nhanh chóng giành thắng lợi.
Cùng lúc đó chi bộ Mỹ Phước Tây huy động hàng trăm quần chúng tới nhập với đoàn biểu tình. Một bộ phận khác của Mỹ Phước Tây, có đội du kích làm nòng cốt kéo tới nhà việc Mỹ Phước Tây, tập trung sổ sách rồi đốt.
Ở Mỹ Hạnh Trung, chi bộ kêu gọi khoảng 1.500 quần chúng xuống đường biểu tình. Phần lớn tề ở đây ta đã tranh thủ được, cho nên họ giữ thái độ im lặng. Riêng biện Thông đi báo cho đội Chí và cai bếp Tự mang 2 súng tới nhưng quần chúng quá đông, chúng hoảng sợ bỏ chạy, ta tước được 2 khẩu súng.
Đoàn biểu tình dưới sự điều khiển các đồng chí Lê Văn Kiệm (Mỹ Hạnh Đông), Lâm Văn Khê (Mỹ Phước Tây), Nguyễn Văn Ty (Mỹ Hạnh Trung) đã lên tới trên 2.000 người xếp theo hàng tư, đi đầu là chị Lê Thị Sảnh vác cờ đỏ rầm rập tiến về phía quận lỵ. Khoảng 10 giờ, quân khởi nghĩa kéo tới vịnh Ba Thu (làng Tân Bình).
Được tin báo trước, chủ quận Cai Lậy Nguyễn Văn Tâm đã bố trí tại đây 40 lính trang bị đầy đủ vũ khí. Chúng dàn thế trận, lăm lăm cầm súng trong tư thế chiến đấu. Nghĩa quân vẫn hô vang khẩu hiệu và tiến tới. Quận Tâm ngồi trên ca nô bên kia kênh 12 ra lệnh cho lính bắn chặn đoàn biểu tình. Các đồng chí Ba Nhâm, Thê vác mã tấu xông lên giáp lá cà với lính. Chị Lê Thị Sảnh cũng vác cờ xông lên. Địch nổ súng, bà Dương Thị Nhậm và ông Nông Văn Cơ hy sinh; 15 người bị thương. Nghĩa quân cũng bắn lại và xông vào đánh, chém làm địch bị thương nhiều tên.
Tuy đàn áp quần chúng nhưng quận Tâm cũng lo sợ, chúng cho rút 2 tiểu đội ở Bình Phú và chợ Ba Dừa cùng với trung đội sẵn có để bảo vệ dinh quận.
Chiều 23, Ban khởi nghĩa quận rút kinh nghiệm và chỉ đạo cho các chi bộ củng cố lực lượng, tiếp tục lãnh đạo quần chúng nổi dậy.
Lúc 22 giờ ngày 23 - 11, ở Long Trung nghĩa quân chiếm nhà việc Hưng Long, rồi chiếm chợ Ba Dừa. Cuộc nổi dậy ở đây được trang bị nhiều súng nhất do Võ sĩ Tộ, Hà Tôn Hiến, Chín Phải, Trần Văn Thủ, Chín Quế chỉ huy.
Chợ Hưng Long trở thành chỉ huy sở của Ban khởi nghĩa. Lúc này quần chúng 2 ấp Cẩm Phong và Cẩm Hà (làng Cẩm Sơn) tập hợp hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Tiếng trống, mõ tre vang động khắp nơi.
Hàng trăm ngọn đuốc sáng rực góc trời. 4 giờ sáng ngày 24-11, đoàn biểu tình tới chợ Tham Rôn. Bọn phản động hoảng sợ chạy trốn. Cùng lúc quần chúng 2 ấp Cẩm Hóa, Cẩm Thạch kéo tới, nghĩa quân hoàn toàn làm chủ chợ Tham Rôn. Sổ sách của nhà việc bị nghĩa quân thiêu hủy.
9 giờ sáng, Ban khởi nghĩa ra lệnh phá kho lúa của Bộ Hanh, Hào Kha, Quản Đôn, Mười Hơn chia cho nhân dân. Quần chúng rất vui mừng, cách mạng đã đem lại quyền lợi thiết thực cho người nghèo đói. Khoảng 10 giờ quần chúng từ Giồng Tre (Bình Phú), Long Khánh kéo tới chợ Tham Rôn đông như ngày hội, quần chúng mang theo gà, vịt, trái cây, bánh tét ủng hộ đội du kích, đội cảm tử. Ban khởi nghĩa cho dùng dây lòi tói làm dây giăng ngang sông Ba Rài để ngăn tàu địch.
Trong những ngày nhân dân làm chủ làng Cẩm Sơn, chợ Tham Rôn đầy cờ, khẩu hiệu. Ban khởi nghĩa quyết định chia lực lượng nghĩa quân làm 2 mũi tiến chiếm quận lỵ Cai Lậy. Một mũi khoảng 100 người do đồng chí Nguyễn Văn Giai, Sái Ơn chỉ huy. Mũi này khi tới bến đò Quản Tú thì gặp lính mã tà. Chúng nổ súng, nghĩa quân phải rút về nhà việc.
Mũi thứ hai cũng khoảng 100 người do đồng chí Đinh Văn Thi và Tư Đấu chỉ huy tiến tới cầu Cái Chác thì gặp lính mã tà của quận Tâm. Chúng nổ súng, nhưng nghĩa quân vẫn hô khẩu hiệu và tiến lên. Bọn lính chĩa thẳng súng và bắn vào nghĩa quân làm một số người bị thương. Nghĩa quân rút về làng chờ lệnh mới.
Lúc 23 giờ chi bộ làng Long Tiên lãnh đạo quần chúng nổi dậy phá nhà việc, đốt hết sổ sách, mít tinh biểu tình thị uy. Tại Nhị Quý, Phú Quý, Mỹ Long, Tân Hội nổi trống mõ chiếm nhà việc Nhị Quý, đốt hết sổ sách, sáng 24 mít tinh trước nhà việc có treo cờ, khẩu hiệu. Ban khởi nghĩa ba làng được thành lập gồm: Nguyễn Văn Lộ trưởng ban và các ủy viên: Hai Khải, Trần văn Khấu, Lê Văn Tất, Nguyễn Hồng Ân, Nguyễn Văn Bi.
Tại Tân Phú đêm 23-11, quần chúng nổi dậy chiếm đồn lính làng và nhà việc. Huyện Cang và tay sai hoảng sợ bỏ trốn. Nghĩa quân bắt Hương chánh Đại, quản Trong, chủ ấp Bảng giải về nhà việc. Ban khởi nghĩa lấy ngay trụ sở tề làm chỗ hội họp, chỉ huy công việc của làng; ra lệnh mở vựa lúa của các tên địa chủ Trần Phong Cang, Trần Phú Cường, Nguyễn Văn Thể chia cho dân.
Theo lệnh của Quận ủy Cai Lậy, khoảng 200 nghĩa quân của làng Tân Phú tập hợp tại nhà việc để kéo đi chiếm dinh quận. Trên đường ra lộ Đông Dương nghĩa quân Tân Phú phối hợp với nghĩa quân Điềm Hy đốt đồn cảnh sát, khi nghĩa quân tới ngã ba Nhị Quý thì gặp lính của Quận Tâm đi bằng xe hơi tới, chúng nổ súng, nghĩa quân phải tản ra rút về Tân Hội.
Ở Thạnh Phú ngày 24-11, bọn tề thấy quần chúng nổi dậy đã hoảng sợ bỏ trốn khỏi làng. Quần chúng kéo tới phá nhà việc, đốt hết sổ sách, chiếm bót Ngã năm, phá kho lúa của cai tổng Thắng chia cho dân. Ngày 25, Ban khởi nghĩa huy động du kích quần chúng đốn hai hàng cây từ ngã ba Nhị Quý qua khỏi cầu đúc Bưng Môn để chặn giao thông địch.
Ngày 26, Ban khởi nghĩa huy động lực lượng các làng Long Trung, Long Tiên, Tam Bình …vượt sông sang phối hợp với quần chúng cù lao chiếm nhà Đốc phủ Mầu, phá kho lúa chia cho nhân dân. Hai anh Nhất Long và Tân là người tin cậy của Đốc phủ Mầu biết y cất nhiều vàng bạc ở tủ sắt đã chỉ cho nghĩa quân biết phá và lấy.
Cũng trong ngày 26, Ban khởi nghĩa huy động 400 quần chúng biểu tình kéo về quận Cai Lậy. Đoàn biểu tình hướng về chùa Quý Phước với tiếng trống mõ vang cả khu vực. Được tin, quận Tâm cho lính đồn đón tại chùa Quý Phước, bọn lính xả súng bắn. Đội du kích xông tới giáp lá cà với địch, cảnh hỗn loạn diễn ra. Quần chúng phải dạt qua phía chợ Phú Quý, quận Tâm cũng phải cho lính rút về quận. Ta hy sinh 3 người. Ngay sau đó, ta tổ chức mít tinh có hơn 200 người dự để tố cáo tội ác của quận Tâm và tổ chức quyên góp giúp người bị nạn.
Tính đến ngày 30-11, quần chúng các làng Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung, Thạnh Phú, Mỹ Thành, Phú Nhuận, Phú An, Hiệp Đức, Xuân Sơn, Cẩm Sơn, Long Trung, Long Tiên, Tam Bình, Mỹ Long, Phú Quý, Nhị Quý, Long Khánh, Tân Phú, Tân Hội đã nắm quyền làm chủ. Còn các làng khác ta chỉ làm chủ một phần hoặc vào ban đêm.
Thực dân Pháp đã huy động quân chủ lực, lê dương với đầy đủ vũ khí hiện đại, có máy bay yểm trợ đến tiếp viện, chúng ra sức khủng bố quần chúng gây nhiều thiệt hại cho nhân dân ta. Nghĩa quân phải rút về vùng rạch sâu, rồi vào Đồng Tháp Mười chiến đấu lâu dài với địch.
TẤN ĐỜI
Nguồn: Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ- NXB CTQG HN 2002 trang 233-239
.