Chặng đường lịch sử vẻ vang, đầy tự hào
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong một Mặt trận để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân… để phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu chung là: Giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Từ đó đến nay, ở mỗi thời kỳ khác nhau có những hình thức và tên gọi cụ thể về tổ chức có khác nhau cho phù hợp với từng thời kỳ của nhiệm vụ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội vì những mục tiêu lớn của dân tộc luôn tồn tại và phát triển.
Tại Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản vào tháng 7-1935, trên cơ sở nhận định tình hình quốc tế, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, Đại hội chủ trương: Đảng cộng sản các nước phải thống nhất lực lượng giai cấp công nhân và lập Mặt trận nhân dân rộng rãi, bao gồm các đảng phái yêu nước và dân chủ để thống nhất hành động chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hòa bình và cải thiện đời sống.
Tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận nhân dân Phản đế Đông Dương, sau đổi thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ. Về hình thức, Hội nghị chủ trương lợi dụng hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp để tuyên truyền và tổ chức quần chúng, phát triển tổ chức bí mật của Đảng nhằm mở rộng Mặt trận, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.
Mở đầu cao trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công là cuộc hưởng ứng phong trào vận động Đông Dương Đại hội. Hàng chục Ủy ban vận động được thành lập từ tỉnh xuống tận cơ sở nhằm vận động nhân dân kiến nghị, tập hợp yêu sách, đòi quyền tự do dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống…, qua đó tuyên truyền vận động các phần tử tiến bộ đi theo Đảng.
Phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh, các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn lập những bản kiến nghị gửi lên thống đốc Nam kỳ đòi các quyền dân sinh, dân chủ như: Giảm sưu, bớt thuế, bớt giờ làm…; các cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng được tổ chức với khí thế rất sôi nổi.
Ngày 1-5-1936, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp là đồng chí Phan Văn Khỏe đã lãnh đạo cuộc biểu tình khoảng 500 người thuộc các xã: Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội thuộc quận Cai Lậy. Đoàn người vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: Ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp; giảm thuế thân, giảm tô tức, ngày làm 8 giờ; ban bố các quyền tự do dân chủ… Bọn lính rất hoang mang, tên chủ quận kéo lính định đàn áp, nhưng trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên này buộc phải nhận yêu sách, hứa gửi về thống đốc Nam kỳ. Cuộc biểu tình giành thắng lợi.
Nhìn chung, cao trào cách mạng trong giai đoạn 1936 - 1939, quần chúng công nhân, nông dân và một số tầng lớp khác ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công được động viên, giáo dục và được tổ chức. Chính việc quần chúng được giác ngộ, tổ chức đã tạo ra thực lực mới, trận địa cách mạng mới. Phong trào cách mạng chĩa mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa và bọn tay sai, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do cơm áo và hòa bình…
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Đây là một thắng lợi to lớn trong thời kỳ cách mạng miền Nam đang chuyển sang giai đoạn mới. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho.
Cuối năm 1960, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị mở rộng ở xã Tân Hòa Đông, huyện Châu Thành. Hội nghị chỉ đạo phải tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng tự vệ chiến đấu ở xã, ấp; chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh và các huyện; chủ trương thường xuyên tổ chức mít tinh, biểu tình để biểu dương khí thế nổi dậy của quần chúng.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy và Khu ủy, ngày 12-8-1961 Tỉnh ủy tổ chức Đại hội Đại biểu thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành, đáp ứng kịp thời nguyện vọng cấp bách của quần chúng, tạo ra khí thế cách mạng mới, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Mỹ Tho.
Để chào mừng sự kiện này, phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân diễn ra hết sức mạnh mẽ, với nhiều hình thức phong phú như: Tập trung đưa đơn, mít tinh, biểu tình… Tiêu biểu có cuộc biểu tình được tổ chức ở ngã ba Chim Chim (xã Đông Hòa, huyện Châu Thành), có 15 ngàn người tham gia chống địch càn quét, tuy cuộc biểu tình bị địch khủng bố dã man nhưng quần chúng vẫn giữ đội ngũ và đấu tranh quyết liệt. Trước sức mạnh của quần chúng, tên quận trưởng buộc phải đồng ý bồi thường sinh mạng và ra lệnh phạt bọn lính ở ngã ba Chim Chim để xoa dịu phong trào…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh để thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc: “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Suốt 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, song luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. 85 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang, đầy tự hào của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
HỒNG LÊ (tổng hợp)
Quá trình từ Hội Phản đế đồng minh đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay là một chuỗi dài những chặng đường phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ đó đến nay đã 12 lần đổi tên như: - Mặt trận Thống nhất Phản đế Đông Dương - Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất (ngày 18-11-1930). |