Đại biểu Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Phí và lệ phí
Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phí và lệ phí. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thống nhất cao với giải trình tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Phí và lệ phí; đồng thời góp ý bổ sung 5 nội dung cụ thể như sau:
Một là, danh mục phí và lệ phí có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và nguồn thu của ngân sách. Vì vậy, việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với số lượng, chất lượng dịch vụ công mà Nhà nước và tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ, giúp cho dịch vụ công ngày càng được tốt hơn. Nếu quan hệ này không tương xứng thì phí và lệ phí trở thành công cụ tận thu người dân; đồng thời phí và lệ phí gắn liền với nguồn thu ngân sách để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Do đó, việc ban hành danh mục phí và lệ phí tại dự thảo Luật Phí và lệ phí là rất quan trọng, để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, không triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không làm thất thu ngân sách Nhà nước; đồng thời bảo đảm nguyên tắc phí và lệ phí không được chồng thuế. Nếu người dân đã trả một lần dịch vụ nào đó có nghĩa vụ thuế thì không nên trả thêm một lần nữa với danh nghĩa là phí. Do đó, dự thảo luật cần giải thích rõ từ ngữ, làm rõ bản chất của phí, lệ phí và giá dịch vụ tại dự thảo luật.
Hai là, nội dung quy định trong dự thảo luật còn chưa rõ nội hàm cụ thể của từng loại phí và lệ phí, cần xem xét bổ sung mang tính toàn diện hơn, bao hàm đầy đủ các hoạt động phát sinh từ dịch vụ công có phân theo lộ trình thực hiện, cân nhắc một số phí, lệ phí quy định tại dự thảo luật, như phí sử dụng tạm lề đường, lòng đường, vỉa hè sẽ gây hiểu lầm chủ trương cho phép sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, làm ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan và tiến trình quản lý, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Do vậy, đề nghị nên có lộ trình chấm dứt thực trạng này, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Ba là, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc việc quy định thu phí, lệ phí một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ công, như phí khai thác, sử dụng tài liệu do Nhà nước quản lý. Nếu quy định thu phí nội dung này sẽ không phù hợp, tạo thông lệ kinh doanh trong việc cung cấp tài liệu thuộc trách nhiệm quản lý của ngành để đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu và phát triển của đất nước.
Bốn là, cần cân nhắc việc quy định danh mục phí tuyển dụng công chức, viên chức; lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển, hoa hồng chữ ký… chưa rõ nội hàm, tính cụ thể, tính phù hợp trong từng lĩnh vực. Riêng về danh mục các dịch vụ do Nhà nước định giá, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để thống nhất áp dụng công khai với nhà đầu tư, với người sử dụng dịch vụ và cơ sở để thanh tra, kiểm tra, không tạo kẽ hở để nhà đầu tư định mức quá cao, tạo gánh nặng cho người sử dụng dịch vụ.
Năm là, trong danh mục các dịch vụ do Nhà nước định giá, cần cân nhắc không đưa giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ sẽ do Nhà nước quy định khung giá nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, vì thực tế giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ sẽ bị tác động từ điều tiết thị trường, phụ thuộc vào vị trí, thời điểm mặt hàng kinh doanh, uy tín, địa điểm kinh doanh… sẽ có giá khác nhau do thị trường quyết định.
Bên cạnh đó, do tính chất phí và lệ phí để có đối tượng trực tiếp tác động, nhất là đối tượng người dân và doanh nghiệp nắm rõ các nội dung liên quan đến Luật Phí và lệ phí, đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ nội dung, hình thức giao bộ, ngành liên quan, địa phương thực hiện việc công khai rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng và cụ thể các loại phí, loại quỹ mà người dân phải trả hàng năm, vì phí, lệ phí và các khoản thu khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
Ngoài ra, thực tế hiện nay mặc dù các địa phương ban hành mức thu phí, lệ phí cụ thể, nhưng thực hiện cao hơn rất nhiều so với mức quy định. Điển hình như phí tham quan, dịch vụ giữ ô tô, xe máy ở các địa bàn khác nhau, với mức giá khác nhau…, người dân phải trả cao hơn rất nhiều theo quy định, nhất là vào các dịp lễ, tết và cả việc chấp hành trong việc quản lý, gây bức xúc cho người dân. Do đó, đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định xử phạt trong trường hợp các hành vi vi phạm đến việc thu phí và lệ phí.
Sáu là, về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về phí và lệ phí: Về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ quy định chi tiết và phân cấp thẩm quyền mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng và quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu lệ phí.
Quy định như vậy là không phù hợp, vì thực chất phí và lệ phí là thực hiện quyền và trách nhiệm của người dân, mức thu phí và lệ phí phải tương xứng với số lượng, chất lượng dịch vụ công mà Nhà nước và tổ chức tham gia cung cấp cho dịch vụ công. Vì vậy nội hàm này quyết định thực hiện quyền và trách nhiệm ra quyết định chặt chẽ và có hiệu quả khi tổ chức thực hiện. Vì vậy, nếu việc quy định chưa cụ thể trong phân cấp thẩm quyền của Trung ương, địa phương mà giao cho Chính phủ là chưa rõ và thiếu chặt chẽ.
Do đó, để tránh việc thực hiện thiếu tính đồng bộ, xảy ra tình trạng thu lỏng lẻo hay tận thu và làm thất thu ngân sách, đề nghị trong dự thảo luật cần quy định chi tiết nội hàm danh mục phí, lệ phí và phân cấp thẩm quyền mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng; quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí, phân cấp cụ thể cho Trung ương và địa phương trong dự thảo, tạo hành lang pháp lý để trên cơ sở đó Chính phủ thực hiện.
Bên cạnh đó, các hoạt động thu phí, lệ phí, dịch vụ sẽ bị tác động, biến động dựa vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, để đảm bảo tính thích ứng, phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh danh mục phí và lệ phí. Danh mục các dịch vụ do Nhà nước định giá được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh phải được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Bảy là, về miễn, giảm lệ phí: Dự thảo luật quy định các nhóm đối tượng được miễn, giảm lệ phí như trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng và một số trường hợp khác. Quy định như dự thảo luật là chưa cụ thể, chưa bao quát hết các đối tượng cần miễn, giảm như người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam…
Do vậy, đề nghị cần nghiên cứu và soát xét các đối tượng để đảm bảo phù hợp trong luật; đồng thời, để đảm bảo công bằng đối với người dân, việc quyết định ai được miễn, được giảm phí, lệ phí và được giảm bao nhiêu thì nên do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ phù hợp hơn là giao cho Chính phủ quyết định.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)