Thứ Hai, 09/11/2015, 10:29 (GMT+7)
.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)

Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý 6 nội dung như sau: 
 
Một là, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các chỉ tiêu thống kê có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phản ánh một cách trung thực, chính xác, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và môi trường sinh thái. Đặc biệt, làm cơ sở cho công tác phân tích và dự báo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, khắc phục thực trạng số liệu thống kê của Việt Nam chênh lệch khá xa so với số liệu thống kê của các nước trên thế giới.
 
Do đó, đề nghị dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ hơn nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động thống kê; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động thống kê, cần bổ sung nguyên tắc nghiên cứu ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, xây dựng chuẩn hóa các quy trình thống kê theo chuẩn mực quốc tế và cần xem xét để bổ sung các quy định cho phù hợp. 
 
Hai là, việc quy định nguyên tắc sử dụng thông tin thống kê phải bảo mật dữ liệu thống kê theo quy định của pháp luật là cần thiết (điểm c, khoản 3, Điều 5). Tuy nhiên, quy định việc bảo mật trong sử dụng thông tin thống kê cũng cần được giới hạn, bởi theo yêu cầu thực tiễn thì việc sử dụng dữ liệu thống kê phải rộng rãi, kịp thời, thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động thông tin thống kê, trừ những trường hợp bảo mật. Do đó, đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể dữ liệu nào thuộc bảo mật để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện và phục vụ hoạt động thống kê. 
 
Ba là, cần soát xét các chỉ tiêu từng ngành để khắc phục và bổ sung các chỉ tiêu, phản ánh đầy đủ hơn thực trạng kinh tế của đất nước vào từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Bốn là, cần xem xét bổ sung cụ thể quy định trường hợp bộ, ngành không thống nhất với ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thông tin thống kê của mình.
 
Ngoài ra, tại các nội dung khác như: Phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê không nêu rõ trách nhiệm cuối cùng thuộc về bộ, ngành hay cơ quan thống kê Trung ương, do đó đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định này vào dự thảo luật để xác định rõ trách nhiệm; đồng thời đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành nếu như số liệu thống kê gửi cho cơ quan thống kê Trung ương có sự sai lệch, không chính xác. 
 
Năm là, về nội dung quy định thông tin thống kê trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng còn rất chung và không đảm bảo tính minh bạch. Do vậy, đề nghị nên bổ sung quy định nội dung liệt kê hoặc định nghĩa cụ thể các thông tin nào liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng không được thu thập và không được phổ biến để đảm bảo sự thống nhất chung trong áp dụng pháp luật. 
 
Sáu là, đề nghị cần quy định cụ thể hơn các vấn đề: Về chỉ tiêu thống kê và các chỉ tiêu thống kê cần được xây dựng như thế nào? Khi có tranh chấp thống kê, xử lý trách nhiệm giải trình ra sao?...                       
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
.
.
.