Thứ Tư, 11/11/2015, 14:06 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp dự thảo Luật Khí tượng thủy văn

Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn. Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý 5 nội dung như sau:

Một là, về giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 3: Tại khoản 10 của điều này, đề nghị bỏ cụm từ “có thể” để việc giải thích từ ngữ được chính xác, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu. Bởi lẽ, khi đã xác định thiên tai là luôn đi kèm với thiệt hại. Như vậy, khoản 10 của điều này được thể hiện lại như sau: “Thiên tai, khí tượng thủy văn là các hiện tượng thủy văn bất thường gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội”.

Hai là, về những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8: Tại các khoản 6, 9 và 11 của điều này, đề nghị xem xét bỏ cụm từ “cố ý”, vì các hành vi vi phạm này cần nghiêm cấm tuyệt đối, không phân biệt cố ý hay vô ý do hậu quả của các hành vi quy định tại 3 khoản vừa nêu có thể là rất lớn và không thể lường trước được; đồng thời sẽ tránh được tình trạng lách luật khi xử lý các hành vi vi phạm này. Như vậy, các khoản 6, 9 và 11 của Điều 8 được thể hiện lại như sau:

- Khoản 6: “Cản trở việc quản lý khai thác công trình khí tượng thủy văn”.
- Khoản 9: “Vi phạm các quy định kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn”.
- Khoản 11: “Che giấu, không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Ba là, về mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quy định tại Điều 10: Tại khoản 3 của điều này, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối quy định của khoản này để quy định của điều luật được chặt chẽ, tránh sự tùy tiện của tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý và khai thác các trạm khí tượng thủy văn theo mục đích riêng.

Như vậy, khoản 3 của điều này được thể hiện lại như sau: “Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật”.

Bốn là, về bảo vệ công trình khí tượng thủy văn được quy định tại Điều 16: Tại điểm a, khoản 1 của điều này quy định: “Việc xây dựng hồ sơ chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình và thông báo công khai cho chính quyền địa phương và nhân dân địa phương là một trong các nội dung bảo vệ công trình khí tượng thủy văn”.

Tuy nhiên, tại khoản 2 của điều này và tại Điều 53 của dự thảo luật về trách nhiệm của UBND các cấp cũng chưa quy định cụ thể cơ quan nào sẽ thực hiện nội dung này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định cụ thể nội dung vừa nêu nhằm tạo thuận lợi cho địa phương trong tổ chức thực hiện khi luật có hiệu lực.

Năm là, về quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn được quy định tại Điều 18: Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn tại điểm b, khoản 1 của điều này.

Bởi vì, khoản 1 của điều này quy định 2 nội dung quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn, nhưng tại khoản 2  của điều này chỉ quy định trách nhiệm ban hành danh mục mà chưa quy định trách nhiệm tổ chức kiểm tra, hiệu chuẩn phương tiện đo theo quy định.

Do vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về đo lường, đề nghị giao trách nhiệm này cho Bộ Khoa học và Công nghệ là phù hợp và thể hiện lại nội dung quy định tại khoản 2 như sau: “Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất danh mục phương tiện đo khí tượng thủy văn phải kiểm định, hiệu chuẩn để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn”.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.