Thứ Sáu, 13/11/2015, 10:47 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự

Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý 7  nội dung như sau:

Một là, về “Căn cứ ban hành dự án luật”:    Căn cứ của dự án luật quy định: “Bộ luật này quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự”. Đề nghị bỏ quy định này, vì nội dung này đã quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và thay thế bằng nội dung quy định: “Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Hai là, về “Nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự” (Điều 2): Đề nghị bỏ quy định về nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự vì:

- Thứ nhất: Theo từ điển tiếng Việt,  khái niệm “nhiệm vụ” là công việc do cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức giao cho phải làm vì một mục đích và trong một thời gian nhất định. Như vậy, chủ thể của nhiệm vụ là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức chứ không thể là một văn bản luật.

- Thứ hai: Hiện nay đa số các dự án luật không quy định nhiệm vụ của luật, bộ luật.
Vì lẽ đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định Điều 2 này để phù hợp với các luật, bộ luật đã ban hành.

Ba là, về “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15): Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “cá nhân” vào sau cụm từ “cơ quan” để đảm bảo quy định đầy đủ về chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án. Như vậy, nội dung quy định của điều luật thể hiện lại như sau:

“Trong phạm vi, quyền hạn của mình, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan, cá nhân tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Bốn là, về “Tạm giữ (Điều 104) và Tạm giam (Điều 106)”:    Đề nghị bỏ cụm từ “có thể” được nêu trong điều luật (khoản 1, Điều 104; khoản 1, 2 Điều 106) nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tránh các trường hợp lợi dụng để “lách luật” gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc tạm giữ. Vì những trường hợp được quy định là những trường hợp không thể không tạm giữ nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra.

Năm là, về “Thu thập, giao nộp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa” (Điều 126): Tại khoản 3, đề nghị thay cụm từ “có thể đề nghị” bằng cụm từ “có văn bản yêu cầu” để khẳng định rõ tính pháp lý đối với việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan… Như vậy, nội dung quy định thể hiện lại như sau:

“3. Trường hợp người bào chữa không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập”.

Sáu là, về “Hỏi cung bị can” (Điều 179): Đề nghị bổ sung thêm một đoạn vào cuối khoản 1 của điều này quy định về sự có mặt của người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 121 (là những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa), cụ thể bổ sung cụm từ: “Đối với trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa, nếu người bào chữa vắng mặt thì không tiến hành hỏi cung bị can”. Bởi lẽ, việc bổ sung này nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đối tượng mà luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa tham gia từ đầu (quy định tại Điều 118, 119, 121) và góp phần khắc phục tình trạng vi phạm thủ tục tố tụng.

Bảy là, về “Biên bản hỏi cung bị can” (Điều 180): Nội dung quy định tại điều này gồm 4 khoản, đề nghị bổ sung thêm 1 khoản (khoản 5) quy định về trường hợp bị can, người bào chữa không đồng ý nội dung của biên bản thì được quyền ghi ý kiến của mình vào biên bản hỏi cung nhằm bảo đảm việc ghi biên bản phải đúng với trình bày của bị can. Cụ thể bổ sung như sau:

“5. Trường hợp bị can, người bào chữa không đồng ý với nội dung ghi của biên bản hỏi cung thì họ được ghi ý kiến của mình về việc không đồng ý với nội dung biên bản vào biên bản hỏi cung”.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.