Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp ý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân
Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý 6 nội dung cụ thể như sau:
Một là, về giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 3: Tại khoản 4 quy định cử tri là người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân, đề nghị thay từ “người” bằng cụm từ “công dân Việt Nam” nhằm xác định rõ chủ thể được xác định là cử tri phải là công dân Việt Nam và phù hợp với quy định tại Điều 5 của luật này. Hơn nữa, sử dụng từ “người” là quá chung. Do vậy, khoản 4 điều này được thể hiện lại như sau: “Cử tri là công dân Việt Nam có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân”.
Hai là, về nguyên tắc trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 4: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung khoản 4, quy định về việc công khai và phản hồi kết quả trưng cầu ý dân. Vì việc trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định đến các vấn đề quan trọng của đất nước, được Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Do vậy, việc công bố công khai kết quả này cũng cần được quy định là 1 trong các nguyên tắc trưng cầu ý dân để mỗi người dân được biết và có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của mình trong thực hiện phiếu quyết định các nội dung được Quốc hội đưa ra trưng cầu ý dân và phù hợp với quy định tại Điều 48 của luật này. Như vậy, khoản 4 của điều này được thể hiện như sau: “Kết quả trưng cầu ý dân phải được công bố công khai và phản hồi đến nhân dân”.
Ba là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định tại Điều 18: Tại khoản 10 quy định xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất. Quy định như dự thảo là chưa đủ, vì tại Điều 48 về xác định và công bố kết quả trưng cầu ý dân tại khoản 3 quy định “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân”. Do vậy, khoản 10 của điều này được thể hiện lại như sau: “Xác định kết quả, công bố kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất”.
Bốn là, về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp được quy định tại Điều 20, đề nghị nghiên cứu cụ thể về 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm của UBND phối hợp với Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân để có cơ sở báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức trưng cầu ý dân cho UBND cấp trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo quy định của luật này.
Thứ hai, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã được quy định tại khoản 3, đề nghị xem xét, bổ sung nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của các tổ trưng cầu ý dân do UBND cấp xã thành lập ở từng khu vực bỏ phiếu. Như vậy, điểm b, khoản 3 của điều này được thể hiện như sau: “Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương”; đồng thời điểm b của dự thảo luật trở thành điểm c, điểm c trở thành điểm d…
Năm là, về khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 30: Tại khoản 1 quy định, đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân do UBND huyện quyết định và tại khoản 3 quy định những trường hợp có thể thành lập khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân riêng; nhưng cả 2 khoản quy định này chưa quy định cụ thể trách nhiệm báo cáo kết quả trưng cầu ý dân. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 30 khoản 4, với nội dung quy định như sau: “Các đơn vị được thành lập khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân riêng có trách nhiệm lập báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của đơn vị mình sau khi kết thúc bỏ phiếu trưng cầu ý dân cho UBND cấp xã, nơi đơn vị đặt trụ sở hoặc đóng quân; đối với các huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì thực hiện báo cáo kết quả trưng cầu ý dân cho UBND cấp huyện nơi đơn vị mình đặt trụ sở”.
Sáu là, về xử lý vi phạm pháp luật về trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 50: Đề nghị xem xét, bổ sung khoản 3, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành các quy định có liên quan đến việc xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân khi luật này có hiệu lực. Như vậy, khoản 3 của điều này được thể hiện như sau: “Chính phủ quy định chi tiết điều này”.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
.