Đại biểu Trần Văn Tấn:Góp ý dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý 4 nội dung cụ thể như sau:
Một là, về “Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam” (Điều 9), đề nghị xem xét 2 vấn đề gồm:
- Tại điểm b, khoản 1, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “quyền bỏ phiếu” sau cụm từ “quyền bầu cử” và cụm từ “và Luật Trưng cầu ý dân” sau cụm từ “Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân” để quy định được chặt chẽ và phù hợp với Luật Trưng cầu ý dân sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
- Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quyền yêu cầu được trả tự do của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam hoặc đã chấp hành xong hình phạt nhằm bảo vệ tốt quyền công dân; đồng thời nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khi áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, tránh lạm dụng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Như vậy, điểm b và điểm i, khoản 1 của điều này được thể hiện lại như sau:
+ Điểm b: Được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND và Luật Trưng cầu ý dân.
+ Điểm i: Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam hoặc đã chấp hành xong hình phạt.
Và điểm i của dự án luật trở thành điểm k.
Hai là, về “Tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (Điều 16): Tại khoản 4, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “lập biên bản về” vào trước cụm từ “phổ biến quyền, nghĩa vụ” để quy định được đầy đủ, chặt chẽ, làm cơ sở xác định việc thực hiện phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ, tránh trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam phản ánh sai sự thật trong thực hiện việc phổ biến các nội dung này; đồng thời làm cơ sở để xác định trách nhiệm của cán bộ thực hiện.
Như vậy, khoản 4 của điều này được thể hiện như sau: “Lập biên bản về phổ biến quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam”.
Ba là, về “Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam” (Điều 18): Tại khoản 4 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam dưới đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng”, đề nghị Ban soạn thảo xem xét 3 vấn đề gồm:
- Đề nghị bỏ cụm từ “có thể” nhằm bảo đảm tính khẳng định đối với các đối tượng quy định tại khoản 4 là phải được bố trí giam giữ ở buồng riêng, vì đây là các đối tượng đặc biệt, khác với các đối tượng khác cả về tâm lý và sinh lý; đồng thời tạo sự thuận tiện trong việc quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng này. Trước mắt, nếu chưa thực hiện được thì áp dụng như quy định tại khoản 3 và có lộ trình để hoàn thiện cơ sở giam giữ nhằm đáp ứng theo quy định tại Điều 38 của luật này.
- Bổ sung điểm d để quy định đối tượng “người nước ngoài” vào các đối tượng được bố trí giam giữ ở buồng riêng nhằm bảo đảm quy định của luật được chặt chẽ, không bỏ sót đối tượng.
- Đề nghị bố cục lại thứ tự các quy định trong khoản 4 thành khoản 3 và ngược lại để nội dung quy định được hợp lý hơn.
Bốn là, về “Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam” (Điều 46): Tại khoản 2 quy định: “Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nhận được đơn khiếu nại quy định tại khoản 1 thì phải chuyển cho Viện Kiểm sát giải quyết khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được khiếu nại”. Đề nghị bổ sung vào cuối quy định này nội dung “Khi nhận đơn khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải lập biên bản về việc nhận đơn và giao cho người khiếu nại 1 bản” để quy định của luật được chặt chẽ, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Như vậy, khoản 2 quy định đầy đủ như sau: “Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nhận được đơn khiếu nại quy định tại khoản 1 thì phải chuyển cho Viện Kiểm sát giải quyết khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đơn khiếu nại. Khi nhận đơn khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải lập biên bản về việc nhận đơn và giao cho người khiếu nại 1 bản”.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
.