Thứ Hai, 09/11/2015, 10:49 (GMT+7)
.

ĐB Nguyễn Văn Tiên: Đề xuất 3 vấn đề để góp phần phát triển KT-XH

Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nhất trí cơ bản với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang chỉnh đốn, chuyển đổi và phát triển, đặc biệt là trong 2 năm vừa qua người dân được hưởng lợi rất nhiều bởi lạm phát thấp, giá cả không tăng. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề xuất các giải pháp kinh tế - xã hội cho những năm tới với 3 vấn đề cụ thể như sau:

Một là, về lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị nguồn đầu tư chủ yếu cho lĩnh vực này là dựa vào sự hỗ trợ ngân sách Nhà nước, vốn, giống và kỹ thuật. Tuy đây là những giải pháp rất quan trọng, cốt lõi nhưng hình như chưa đủ cho Việt Nam vào lúc này. Vấn đề cơ bản đó là cơ chế pháp lý, đòn bẩy đúng để nông nghiệp Việt Nam phát triển; đó là cơ chế sử dụng đất đai, đề nghị phải khuyến khích mạnh mẽ như thời kỳ làm Khoán 10 để tạo thuận lợi cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển; đó là vấn đề tích tụ đất đai, bởi thực tế khi người nông dân không muốn trực tiếp sản xuất trên những diện tích đất nhỏ lẻ của mình nhưng việc chuyển nhượng đất cho những cá nhân, doanh nghiệp để đầu tư sản xuất lớn cho nông nghiệp thì cần phải có cơ chế cụ thể nhằm đảm bảo được lợi ích của cả doanh nghiệp và người nông dân.

Hai là, về vấn đề tăng lương. Hiện nay, nợ công tăng, ngân sách hụt thu, tăng chi, nếu tăng lương thì nguồn ngân sách Nhà nước hiện không thể đảm bảo chi. Hiện nay, về cơ bản, ở lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được ngân sách Nhà nước chi để mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, đề nghị không cần thiết chi ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển các bệnh viện nữa, mà cần quan tâm đầu tư cho công tác y tế dự phòng như: Phòng, chống lao; tiêm chủng mở rộng và các hoạt động phòng chống các dịch bệnh khác, đây là vấn đề không thể thực hiện xã hội hóa được…

Ba là, về vấn đề cải cách hành chính, là giải pháp thiết yếu, quyết định để đất nước phát triển. Đề nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng quy định miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp xã hội để họ chia sẻ gánh nặng cùng với Nhà nước; đồng thời đề nghị Quốc hội khi ban hành các luật, pháp lệnh phải đảm bảo các quy định thật cụ thể, nhất là các quy định về về thủ tục, thời gian thực hiện… để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách hành chính ở nước ta.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.