Thứ Bảy, 21/11/2015, 10:42 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 75 năm Nam kỳ Khởi nghĩa(23-11-1940 – 23-11-2015)

Tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ

Muốn xác định tính chất của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ cần phải đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử chiến tranh và cách mạng, phải căn cứ vào mục tiêu chiến lược, mục tiêu cụ thể, vào động lực tham gia, vào đối tượng của cuộc khởi nghĩa và nhất là vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Chính những điều đó làm cho cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tuy giống các cuộc đấu tranh từ giữa thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX của nhân dân ta về tinh thần yêu nước, về ý chí quật cường của dân tộc chống ách áp bức thống trị của đế quốc xâm lược, nhưng do điều kiện lịch sử cụ thể, lại khác về chất.
 
                                                                      * * *
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ được Xứ ủy chuẩn bị và phát động theo sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11-1939) Trung ương Đảng, chĩa mũi nhọn chủ yếu của cuộc đấu tranh vào bọn đế quốc xâm lược để giành lấy chính quyền bằng khởi nghĩa vũ trang, thực hiện giải phóng dân tộc, lập nên một nhà nước theo chế độ dân chủ cộng hòa, chưa thực ngay việc đánh đổ và tịch thu toàn bộ ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến mà mới đề ra tịch thu ruộng đất của bọn phản động, của bọn thực dân nước ngoài để cấp cho nông dân không đất hoặc thiếu đất.
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ vươn cao khẩu hiệu “Đánh đổ thực dân Pháp thống trị”, “Chống phát xít Nhật xâm lược” mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thừa kế và nêu cao tinh thần quật khởi dân tộc của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng…thống thiết kêu gọi đoàn kết dân tộc, thống nhất Trung - Nam - Bắc, cho nên nó đã tập hợp được trong Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Nó không phải là một cuộc nổi dậy của nông dân dù rằng đa số là nông dân tham gia.
 
Trong tất cả những cuộc xuống đường phá tề, đốt hồ sơ sổ sách của nhà việc, lấy súng đánh lại giặc, trừ diệt những tên tay sai, mật thám gian ác, đánh đồn, cắt dây điện tín, phá giao thông, lấy lúa của địa chủ phản động chia cho dân đói, bước đầu thực hiện việc quản lý xã hội ở một số nơi ta giữ được quyền làm chủ một thời gian, không có những hiện tượng thường thấy trong các cuộc tự phát của nông dân.
 
Trước khi tiến công chiếm quận lỵ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nữ đồng chí Nguyễn Thị Hồng tuyên bố với lực lượng nghĩa quân “Chúng ta làm cách mạng đánh đổ chính quyền địch, để giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào thoát khỏi ách bị thống trị, nô lệ. Chúng ta chỉ đánh chiếm quận, không được đốt nhà lấy đồ, lính đứng về phía ta là bạn ta, lính không chống lại ta, thì ta tha không trừng trị…”
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc vì các tầng lớp giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam kỳ, hoặc tỏ thái độ ủng hộ cuộc khởi nghĩa, ngay cả sau khi cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Cùng với công nông chiếm đa số, từ lúc chuẩn bị cho đến lúc nổi dậy, người ta thấy cả lớp nghèo thành thị, học sinh, thầy giáo, nghệ sĩ, nhà buôn tư sản, nhân sĩ trí thức có tiếng tăm như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhà bác vật Lưu Văn Lang, nhà tư sản Kha Vạng Cân…
 
Đối với tầng lớp phú nông, địa chủ, vì cuộc khởi nghĩa theo đường lối của Đảng, nêu cao tinh thần dân tộc, chỉ đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ phản động và bọn đế quốc thống trị, cho nên trừ một số ít địa chủ lâu đời gắn bó với đế quốc, đi theo đế quốc, trong khởi nghĩa còn có địa chủ ở một số địa phương, nhất là con cái địa chủ phú nông tham gia và đóng góp vào cuộc nổi dậy chống chính quyền địch.
 
Trong cuộc khởi nghĩa người ta thấy bên cạnh đông đảo người Việt, có đồng bào Khme, người Hoa, người Chăm…
 
Các đồng chí cộng sản người Hoa và bà con người Hoa ở Chợ Lớn và ở nhiều tỉnh như: Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đã tích cực tham gia từ lúc chuẩn bị, trong lúc nổi dậy và cả sau khi cuộc khởi nghĩa đã thất bại vẫn hăng hái tiếp tục chuẩn cho cuộc khởi nghĩa lần thứ hai. Nhiều đồng chí, bà con người Hoa đã bị địch bắt, đưa ra xử án rất nặng, tử hình như đồng chí Châu Tương Lượng (tức A Châu); bị tử hình rồi hạ chung thân như đồng chí Ngô Liên; bị địch bắn tra tấn đến chết lúc hỏi cung như đồng chí Hà Bá Tường…
 
Trong hàng ngũ nghĩa quân, người ta thấy có đồng bào theo đạo Cao Đài ở Hòa Tú (Sóc Trăng), một Thánh thất Cao Đài phái Tiên Thiên ở Tam Bình (Vĩnh Long) đã bị thực dân Pháp san bằng. Nhiều tín đồ Cao đài bị bắt, bị tù, trong đó có hai đồng tử cầu cơ (*) của đạo bị đưa đi đày ở Côn Đảo và một người đã chết ở đó. Tuy mới thành lập năm 1939, số tín đồ còn ít nhưng có một số đồng bào theo đạo Hòa hảo ở Tân Châu (Châu Đốc) cũng vùng dậy chống chính quyền địch.
 
Nhiều nhà sư như sư Thiện Chiếu (Nguyễn Hữu Tài); Yết ma Thông trụ trì chùa Thới Thượng (Bà Điểm, Hóc Môn); sư Quảng Minh trụ trì chùa Liên Trì và sư Huệ Thới (Bến Tre); Yết ma Hoằng pháp chùa Đức Lâm (Mỹ Tho); Yết ma Châu Văn Huề (Thủ Dầu Một); Hòa thượng Trí Thiền chùa Tam Bảo ( Rạch Giá)… đã bị địch bắt giữ, bị tra tấn đến chết, hoặc đưa đi đày ngoài Côn Đảo.
 
Trong hàng ngũ những người nổi dậy có đồng bào theo đạo Thiên chúa ở An Lạc Thôn (Kế Sách), ở Hòa Tú (Sóc Trăng), ở Bà Mi (Cần Thơ)… Nhiều tín đồ đạo Thiên chúa bị địch bắt, xử tù và giam cầm ngoài Côn Đảo.
 
Trong cuộc khởi nghĩa ở nhiều địa phương, có nhiều người trong ban Hội tề, cựu, hoặc đương chức tham gia, nhất là ở cấp làng, thôn.
 
Trong tất cả các cuộc nổi dậy ở các cấp, chúng ta còn thấy vai trò nổi bật của phụ nữ, thường đi đầu vác cờ, khẩu hiệu xuống đường phá chính quyền địch. Có chị em đã giữ vai trò lãnh đạo cấp Xứ như chị Nguyễn Thị Minh Khai; cấp tỉnh như chị Nguyễn Thị Thập, Ngô Thị Huệ; cấp quận có chị Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Hồng… rất nhiều chị em đã bị địch bắn giết tra tấn, kết án rất nặng, kể cả tử hình. Đây thực sự là những tấm gương nữ anh hùng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
 
Tất cả những điều trên đây cho thấy tính chất nhân dân rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ với khí thế “tiến công trời” (Lời của C. Mác đánh giá các chiến sĩ công xã Pa-ri) phất cao ngọn cờ đỏ sao vàng, đã làm rung chuyển hệ thống chính quyền thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của địch ở một số vùng nông thôn, thị trấn và lập chính quyền tự quản ở những nơi này.
 
Cuộc khởi nghĩa cho thấy khi Đảng Cộng sản ra lời kêu gọi, hạ lệnh khởi nghĩa thì quần chúng nhân dân yêu nước, thương nòi, tất cả các tầng lớp giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã biểu lộ sức mạnh của mình, sẵn sàng nổi dậy đấu tranh, dù phải hy sinh đổ máu, để giành lấy quyền sống, giành độc lập, tự do.
 
Bởi vì qua thực tế đấu tranh của hai cao trào cách mạng 1930 -1931 và 1936 -1939, quần chúng nhân dân thấy rằng: Chỉ có Đảng Cộng sản mới vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn: Đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành lại độc lập cho dân tộc, xóa bỏ giai cấp địa chủ đem lại ruộng đất cho nông dân, đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội.
 
Đảng là người trung thành nhất với quyền lợi sống còn của toàn dân tộc. Khi Đảng phất cờ, thì nhân dân nổi dậy hành động và khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu lửa thì nhân dân vẫn thực sự gắn bó với Đảng, vẫn bảo vệ Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chờ lệnh phát động một cuộc khởi nghĩa sắp đến.
 
Tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là tinh thần quật khởi của dân tộc, tinh thần “vì nước vì dân”, tinh thần cách mạng sẵn sàng chiến đấu chống đế quốc phong kiến tay sai, không sợ hy sinh, vì độc lập tự do của Tổ quốc và vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc.
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc nổi dậy kế tục và phát huy truyền thống yêu nước của Tổ tiên ta, chiến đấu dưới ngọn cở của Chủ nghĩa Mác -Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ biểu hiện tinh thần thống nhất ý chí và hành động cao như Nghị quyết Hội nghị 6 của Trung ương Đảng đã đề ra: Trong thì giờ nghiêm trong này, trong lúc phong trào cách mệnh đương sắp phát triển hết sức to rộng và sắp bước vào thời kỳ quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất, một mà thôi.
 
Do những điều kiện khách quan và chủ quan, cuộc khởi nghĩa chưa thành công và bị đàn áp vô cùng tàn bạo, nhưng cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học vô giá, đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, gương mẫu chiến đấu vì lợi ích của nhân dân; đã tổ chức được hàng vạn quần chúng qua thử thách của cuộc khởi nghĩa, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 và 2 cuộc  kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thành công, cho cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
 
Chính trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay phấp phới, biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần yêu quý độc lập, tự do. Sau đó nửa năm, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (tháng 5-1941) tại Pác Bó, Cao Bằng đã lấy ngọn cờ đó làm cờ Mặt trận Việt Minh để tập hợp và động viên cả nước đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Đến Đại hội quốc dân ở Tân Trào giữa tháng 8-1945 thành lập Chính phủ lâm thời, đã nhất trí lấy lá cờ đỏ sao vàng được phất cao trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ làm quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Ngày 14-4-1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, huân chương cao quý nhất lúc bấy giờ, cho “ Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.
 
Tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ mãi mãi sống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.
 
 
(*) Đồng tử cầu cơ là tín đồ tin cẩn trong đạo Cao Đài chuyên lo việc truyền đạt lời của Đạo cho các tín đồ
 
TẤN ĐỜI
 
Nguồn: Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ-
 
NXB CTQG HN 2002 trang 506 -513
.
.
.