Thanh tra Việt Nam: 70 năm xây dựng và trưởng thành
Hoạt động thanh tra là chức năng thiết yếu của công tác quản lý Nhà nước, đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây, là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng đến công tác thanh tra và dành nhiều thời gian, công sức quan tâm xây dựng, kiện toàn các cơ quan Thanh tra cho phù hợp với nhiệm vụ quản lý của bộ máy Nhà nước.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và CB-CC Thanh tra Tiền Giang. |
70 năm đã đi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), thì ngày 23-11-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết trước mắt, từ đó Ban Thanh tra đặc biệt đã trở thành tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam.
Trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt (1945 - 1949); Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954); Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960); Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983); Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989); Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004); Thanh tra Chính phủ (từ năm 2005 đến nay), nhưng ngành Thanh tra Việt Nam vẫn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh xử lý vi phạm và giải quyết các bức xúc của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra Việt Nam, Thanh tra tỉnh Tiền Giang được thành lập từ năm 1976, trong chặng đường 39 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mỗi giai đoạn lịch sử đều ghi lại những dấu ấn hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh.
Giai đoạn 1976 - 1986, chủ trương của Đảng và Nhà nước tập trung vào việc cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp, tài chính tín dụng; Nhà nước thành lập các đơn vị kinh tế quốc doanh (công ty, xí nghiệp của Nhà nước), các hợp tác xã (HTX), tập đoàn sản xuất (TĐSX) nông nghiệp, HTX mua bán để phục vụ người dân.
Đảng bộ tỉnh phát động cải tạo xã hội chủ nghĩa ở vùng nông thôn, nắm chắc quan điểm: “vừa cải tạo vừa xây dựng”, hướng đến mục tiêu: “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Song song đó là việc củng cố chính quyền cách mạng để kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng.
Ngày 26-3-1976, Ban Thanh tra tỉnh được thành lập, có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần củng cố chính quyền cách mạng, từng bước phát triển sản xuất, cải thiện và ổn định cuộc sống của nhân dân.
Ngày 3-1-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 01/CP ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thanh tra.
Do vậy, Ban Thanh tra tỉnh được đổi tên là Ủy ban Thanh tra theo hệ thống cả nước. Và UBND tỉnh có quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra ở các huyện, thị, thành và Ban Thanh tra các ty, ngành cấp tỉnh, Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị kinh tế, sự nghiệp, hành chánh.
Hoạt động thanh tra thời gian này gắn với công tác giải quyết khiếu tố khi có phát sinh vụ việc tiêu cực và đơn khiếu tố, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và tăng cường chính quyền nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện các chủ trương, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ, ngành Thanh tra đã tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra; điển hình các cuộc thanh tra có tính chất phức tạp, nội dung sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát rất lớn về tài sản Nhà nước, cũng như gây bức xúc của nhân dân như ở Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty Vật tư tổng hợp, Công ty Thuốc trừ sâu; thanh tra chính sách di dân vào phát triển vùng kinh tế mới tại các nông trường; thanh tra giải quyết đơn khiếu tố của người dân đối với các HTX…
Qua thanh tra, đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý hàng trăm cá nhân có sai phạm, kiến nghị thu hồi tài sản cho Nhà nước trị giá hàng tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc khắc phục và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và ngoài xã hội.
Giai đoạn 1980 - 1986, ngành Thanh tra tỉnh có bước phát triển mới, vị thế, vai trò tiếp tục được khẳng định với việc các văn kiện quan trọng về công tác thanh tra, xét khiếu tố của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ được ban hành, giải quyết nhiều vấn đề thuộc về nhận thức, quan điểm trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhằm đưa công tác thanh tra phát triển lên một bước mới như:
Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết khiếu tố của công dân của Hội đồng Nhà nước; Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư (khóa V) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra Nhà nước; Nghị quyết 26-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường tổ chức Thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra.
Với việc ban hành Pháp lệnh về khiếu nại, tố cáo là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Thanh tra tỉnh phát huy vai trò tham mưu kiến nghị với lãnh đạo củng cố và tăng cường chế độ tiếp dân, khẩn trương xem xét và giải quyết đơn thư khiếu tố của quần chúng; đồng thời tăng cường thanh tra về trách nhiệm của thủ trưởng chính quyền cấp dưới.
Ngày 1-4-1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố “Pháp lệnh Thanh tra”, mở ra một thời kỳ mới của công tác thanh tra. Trong giai đoạn này, công tác thanh tra đã luôn bám sát yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhất là đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế; nhiều cuộc thanh tra mang tính chất phục vụ cho yêu cầu lãnh đạo, quản lý điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như của ngành, địa phương; các cuộc thanh tra về hoạt động ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách xã hội, chính sách xuất nhập khẩu.
Từ năm 1990 đến 1991, giải thể hàng loạt các HTX, TĐSX do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chuyển đổi cơ chế quản lý, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của hệ thống HTX, những yếu kém, khuyết tật và bất cập của mô hình cũ trong điều kiện mới… nên khu vực HTX đã lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc; việc trả lại đất cho người dân không phù hợp dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai hàng loạt. Trước thực tế đó, ngành Thanh tra tỉnh biết nắm chặt chủ trương của Đảng, Nhà nước, phân loại các đối tượng để có biện pháp phù hợp.
Cũng trong giai đoạn này, các HTX Tín dụng liên tục vỡ nợ, không có khả năng hoàn trả vốn cho người gửi tiền, nguyên nhân do quá trình huy động vốn với lãi suất cao dẫn đến người dân bức xúc khiếu kiện đông người. Còn nữa, tình trạng đòi lại đất của người dân diễn ra rất gay gắt do trước đó họ góp đất vào HTX nông nghiệp nhiều, nhưng khi HTX tan rã thì lại chia đất ít.
Thực trạng này, có tháng ngành Thanh tra tỉnh nhận hơn 1.000 đơn, chủ yếu yêu cầu giải quyết về lĩnh vực đất đai, thậm chí có vụ gay gắt phải tập trung nhiều cán bộ ở các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết.
Từ năm 1996 đến nay, ngành Thanh tra tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Nhất là từ khi có Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng năm 1998, hoạt động của ngành Thanh tra tập trung vào các vấn đề thanh tra kinh tế - xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng.
Một số vụ nổi bật như: Thanh tra tại Công ty Công trình đô thị TP. Mỹ Tho (giai đoạn 2005 - 2007); thanh tra Dự án Đường và Kè sông Tiền khu vực TP. Mỹ Tho; thanh tra tại Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang; thanh tra Công ty Cổ phần BOO nước Đồng Tâm và nhiều vụ khiếu nại, tố cáo nổi cộm xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhất là ở Khu công nghiệp Long Giang…
Trải qua 39 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra tỉnh đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng. Công tác thanh tra tuy có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng ngành Thanh tra có sự trưởng thành, đó là công sức đóng góp của tập thể cán bộ của ngành; mỗi thế hệ cán bộ Thanh tra trong mỗi thời kỳ đã để lại cho lớp cán bộ kế tiếp những bài học quý giá về phẩm chất, đạo đức, về kinh nghiệm hoạt động thanh tra.
Các thế hệ sau luôn ý thức và trân trọng thế hệ đi trước để học tập, noi theo; luôn sáng tạo, nâng cao trong điều kiện mới. Song song đó khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế qua thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Những thành tích nổi bật trong thời gian qua, ngành Thanh tra tỉnh Tiền Giang được tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 Cờ Thi đua xuất sắc của Thanh tra Chính phủ, 15 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 52 Bằng khen của Thanh tra Chính phủ, 91 Bằng khen của UBND tỉnh; 2 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 5 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 58 cá nhân nhận Bằng khen của Thanh tra Chính phủ, 206 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh, trên 100 cá nhân nhận Kỷ niệm chương ngành Thanh tra.
Thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có 3 cá nhân được cấp trên tuyên dương gương điển hình tiên tiến; 5 tập thể, 4 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 16 tập thể và cá nhân nhận Giấy khen của Chánh Thanh tra tỉnh.
NVT