Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổng kết công tác năm 2015
Sáng 11-12, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam bộ tiếp tục có bước phát triển trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Các địa phương trong vùng đã tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được tăng cường, các vụ việc phức tạp, đột xuất được chủ động giải quyết có hiệu quả.
Trong xây dựng nông thôn mới, toàn vùng đã có gần 19% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 13,98/19 tiêu chí, có 4 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí. Toàn vùng cũng đã có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Tuy nhiên, Tây Nam bộ vẫn còn hạn chế như việc giải quyết đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ổn định, nhất là với ba sản phẩm chủ lực là lúa gạo, cá tra và tôm. Trong sản xuất lúa, sản lượng cả năm 2015 ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn so với cùng kỳ, xuất khẩu gạo tăng 3,6% về sản lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp và đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế, yếu kém. Tình hình biên giới giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng diễn biến phức tạp, tiến độ phân giới, cắm mốc giữa hai bên chậm.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đã tập trung phân tích và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đề nghị Bộ NN&PTNT, Công Thương cần có cơ chế mạnh mẽ hơn hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu hai sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo và thủy sản. “Nếu không duy trì và phát triển được thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng”, ông Trần Quốc Trung nói.
Các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh đề cao tính liên kết vùng, tuy nhiên, liên kết vùng mới đang tập trung thực hiện ở sản xuất, hạ tầng, còn trong cung cấp nước sạch thì vẫn hạn chế, nhất là trước những diễn biến phức tạp của nước biển xâm thực. Do đó, các bộ, ngành phải tính toán hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc triển khai các cơ sở cung cấp nước sạch cho khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhấn mạnh tới ý nghĩa của hợp tác trong sản xuất đã giúp vùng có một số nông sản chất lượng cao (lúa gạo, xoài Cát Chu) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mang lại giá trị cao cho người nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp chưa chặt chẽ vì cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn kém hấp dẫn. Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực của vùng.
Các địa phương cũng đánh giá cao Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, coi đó là giải pháp trực tiếp và lâu dài nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình ở Tây Nam Bộ cần được bố trí nhiều hơn. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng điều quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là thay đổi nhận thức của người dân. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc đưa nội dung giáo dục xây dựng nông thôn mới vào Chương trình tiểu học để hình thành lứa công dân mới có ý thức và trách nhiệm thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ đồng tình với các phân tích, đánh giá của các lãnh đạo tỉnh, thành phố về thực trạng và các giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam gia nhập sẽ tạo ra sức ép rất lớn tới cải cách sản xuất và sức cạnh tranh của nông sản trong vùng.
Do đó, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc cơ cấu lại sản xuất lại nông nghiệp, củng cố và phát huy các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng về chất lượng, đảm bảo thị hiếu và thông lệ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Về hợp tác sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng rà soát lại Nghị định 210 của Chính phủ về đầu tư vào nông nghiệp để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện riêng của vùng nông nghiệp trọng điểm Tây Nam bộ. Đồng thời Bộ này cũng phải sớm trình Nghị định của Chính phủ về hợp tác xã nông nghiệp để ban hành, góp phần hỗ trợ cho sản xuất của nông hộ và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản.
Trước ý kiến của các địa phương về liên kết vùng Tây Nam bộ chưa có văn bản quy định thống nhất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ nghị định quy định việc này để vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm trong thực tiễn.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhất trí việc Chính phủ sẽ tăng cường nguồn lực ngân sách và huy động rộng rãi các nguồn vốn từ xã hội, quốc tế để xây dựng, đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng trong vùng để thúc đẩy giao thương hàng hóa, sản xuất nông nghiệp.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Ban chỉ đạo tiếp tục kiện toàn nhân sự của Ban sau khi Đại hội Đảng các cấp tổ chức thành công; thực hiện tốt việc bình ổn giá cả, chăm lo chu đáo đời sống cho đồng bào các dân tộc trong vùng đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
(Theo chinhphu.vn)