Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
Nhân kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016), ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khóa XIII cho biết:
Nhìn chung, trong gần cả nhiệm kỳ Khóa XIII, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội.
Các ĐBQH trong Đoàn đều giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, luôn có nhiều cố gắng để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Khóa XIII đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giữ mối quan hệ công tác và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương, ở Trung ương và các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội.
Các hoạt động của Đoàn thường xuyên, chú trọng vào những vấn đề thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội và yêu cầu đặt ra của cử tri cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
Trong công tác phối hợp, Đoàn ĐBQH tỉnh quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ngành, các cấp trong tỉnh, nhằm tạo những thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ của mình, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri, xem xét kiến nghị về những ý kiến và các vấn đề về khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong Đoàn phải căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, vào chính sách, pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, phải bảo đảm tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH. Vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn ĐBQH là nhân tố hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo hiệu lực hoạt động của Đoàn ĐBQH. Qua thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy Đảng có sự nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của Đoàn ĐBQH và có phương thức lãnh đạo phù hợp thì ở đó Đoàn ĐBQH phát huy tích cực vai trò của mình.
Thứ hai, tiếp xúc cử tri, thường xuyên liên hệ và gắn bó mật thiết với cử tri, đây không chỉ là nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH và ĐBQH được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để ĐBQH và Đoàn ĐBQH kịp thời nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng của người dân, giúp ĐBQH thực hiện tốt nhất trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Ý kiến của cử tri là một trong những kênh thông tin quan trọng không thể thiếu được trong quá trình ĐBQH và Đoàn ĐBQH thực thi nhiệm vụ, qua đó góp phần thể chế hóa vào các văn bản của pháp luật, làm cho các văn bản pháp luật gắn với thực tiễn, với cuộc sống.
Cử tri kiến nghị tại một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. |
Thứ ba, trong điều kiện đa số ĐBQH thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, nên phải phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH, không ngừng cải tiến phương thức, nội dung tổ chức hoạt động, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách làm cốt cán nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.
Thứ tư, cần xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ giúp việc có chất lượng, năng lực để làm tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho ĐBQH và Đoàn ĐBQH.
Về phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng nhằm phát huy tích cực vai trò, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương: Cần đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với Đoàn ĐBQH tỉnh, phải tránh cả 2 khuynh hướng: Buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp, làm thay công việc của cơ quan dân cử. Cụ thể, cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Một là, cấp ủy cần nâng cao nhận thức và hiểu biết đầy đủ về Đoàn ĐBQH địa phương, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH đã được Hiến pháp, pháp luật quy định; đồng thời cũng cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, mối quan hệ phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội; từ đó tạo ra sự phối, kết hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Đoàn ĐBQH. Bởi Đảng vừa ở trong hệ thống chính trị lại vừa lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo thông qua tổ chức, bộ máy và cán bộ, đảng viên nằm trong các tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; lãnh đạo thông qua các hoạt động của Đoàn ĐBQH nhằm bảo đảm thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, Đảng cần tạo cơ chế, điều kiện để phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của Đoàn ĐBQH trong thực hiện mục tiêu đổi mới của mình.
Ba là, Đảng cần mạnh dạn bố trí cán bộ. Một mặt, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có; mặt khác luân chuyển những cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu về pháp luật, hành chính, về hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH làm nhiệm vụ công tác tại cơ quan chuyên trách ở địa phương, nhằm bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ của Đoàn ĐBQH và trong bộ máy tham mưu, phục vụ công tác.
ĐĂNG HIẾU (thực hiện)