Thứ Hai, 11/01/2016, 14:24 (GMT+7)
.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến 20-12-1976. Có 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên trong cả nước dự Đại hội. Đến dự Đại hội còn có 29 đoàn đại biểu các Đảng cộng sản, Đảng công nhân, phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Ảnh: TL
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Ảnh: TL

Đại hội lần thứ IV của Đảng có nhiệm vụ tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; xác định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt nhằm khắc phục hậu quả 30 năm chiến tranh; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới để xây dựng lại đất nước; phá âm mưu bao vây, cô lập của đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch; chuyển đổi phương thức lãnh đạo của Đảng từ thời chiến sang thời bình, từ lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sang lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo Chính trị của Đại hội nêu rõ, trong những năm qua nhân dân ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhất và ác liệt nhất của đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, chiến đấu anh dũng và thắng lợi vẻ vang.

Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới, một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Nếu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám  năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, thì thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chứng minh sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới là không tránh khỏi.

Báo cáo đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa (1976 - 1980) nhằm 2 mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Muốn vậy, phải ra sức thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển vượt bậc về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết một cách vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông dụng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là cơ khí, mở mang giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật; sử dụng hết lực lượng lao động; hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tiến mạnh mẽ công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính, ngân hàng; tăng nhanh nguồn xuất khẩu; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, cải cách giáo dục, đào tạo cán bộ, thanh toán hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới; xây dựng một hệ thống mới về quản lý kinh tế trong cả nước.

Đại hội thông qua Nghị quyết đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội nhất trí hoàn toàn Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa từ năm 1976 đến 1980; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V

Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội V của Đảng là những năm đầu cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đất nước thống nhất, bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực, song nền kinh tế - xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trước tình hình đó, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước và 47 đoàn đại biểu quốc tế.

Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. Ảnh: TL
Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. Ảnh: TL

Đại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thể hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có khuyết điểm, sai lầm. Chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách...

Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội từ năm 1981 đến 1985, đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra.

Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã có những tìm tòi trên con đường quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, trước hết là về mặt kinh tế.

LÊ VĂN TÝ
(còn tiếp)

.
.
.