Thứ Tư, 13/01/2016, 14:56 (GMT+7)
.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và lần thứ VII của Đảng

Đại hội đại biểu lần thứ VI

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu chính thức, thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước và hơn 30 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội lần thứ VI của Đảng là Đại hội đổi mới toàn diện đất nước, hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội khẳng định những thành tựu quan trọng trong 5 năm (1981-1985) trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và mặt trận bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia, làm nghĩa vụ quốc tế với Lào, Campuchia…

Đại hội nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Khóa V đọc Diễn văn khai mạc Đại hội; đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Khóa V đọc Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng; đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Khóa V đọc Báo cáo phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm (1986 - 1990).   

Từ thực tiễn, Đại hội nêu lên 4 bài học, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động chỉ đạo của Đảng. Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 Đồng thời, đề ra đường lối đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở nước ta với các nội dung cơ bản: Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.

Đại hội đưa ra hệ thống các giải pháp cơ bản về đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, chính sách xã hội, chính sách đối ngoại để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Đại hội bầu BCH Trung ương Đảng Khóa VI gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ I BCH Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn BCH Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ VII

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991 ở Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.176 đại biểu chính thức, thay mặt cho 2.155.022 đảng viên cả nước trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở kiểm điểm việc thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, Đại hội tiếp tục đưa ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991 -1995. Mục tiêu tổng quát của 5 năm tới là vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đại hội nêu lên 4 phương châm chỉ đạo là: Tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, thực hiện hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với bước đi vững chắc, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới các lĩnh vực khác; tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi để mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế về mọi mặt.

Đại hội VII của Đảng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng.

Đại hội khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nêu lên những bài học, đặc biệt là xác định 6 đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, do nhân dân lao động làm chủ:

Có một nền kinh tế phát triển cần dựa trên lực lượng sản xuất, hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Đại hội thông qua Chiến lược ổn định và phát trìển kinh tế - xã hội đến năm 2000: “Phát triển kinh tế - xã hội theo con đường củng cố độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội nhân dân làm chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức, bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Đại hội bầu BCH Trung ương Khóa VII gồm 146 ủy viên; đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

LÊ VĂN TÝ
(còn tiếp)

.
.
.