Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng tổ chức ở Hà Nội, từ ngàv 28-6 đến 1-7-1996. Có 1.198 đại biểu và hơn 40 đoàn đại biểu quốc tế tham dự.
Đại hội thông qua các văn kiện: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Khóa VII; Phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) và Nghị quyết Đại hội đại bỉểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.
Đại hội VIII của Đảng có nhiệm vụ quan trọng là kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và tổng kết 10 năm đổi mới, đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội khẳng định, sau 10 năm đổi mới đất nước, chúng ta thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng: Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm; tạo ra được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện có kết quả một số đổi mới quan trọng về hệ thống chính trị: Phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá vỡ thế bị bao vây cấm vận, mở rộng hợp tác và tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế.
Đại hội nhất trí đánh giá tổng quát: Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991 - 1995 đã được hoàn thành về cơ bản.
Đại hội đã phân tích những đặc điểm nổi bật của tình hình trong nước và thế giới, nêu rõ những thời cơ và thách thức, từ đó định ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 và 2020 của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “... Vẫn tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh… Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”.
Đại hội bầu BCH Trung ương Đảng Khóa VIII gồm 170 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí, đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư. Bộ Chính trị cử ra Thường vụ Bộ Chính trị gồm 5 đồng chí: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tiếp tục làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp tại Hà Nội, từ ngày 19 đến 22-4-2001, với sự tham dự của 1.168 đại biểu đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng và hơn 30 đoàn đại biểu quốc tế.
Đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đọc diễn văn khai mạc. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc Báo cáo của BCH Trung ương Khóa VIII về các văn kiện trình Đại hội IX.
Đại hội IX của Đảng đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.
Đại hội IX khẳng định: “…Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ XX, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Đại hội xác định mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đường lối kinh tế của Đảng được Đại hội thông qua là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.
Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 của BCH Trung ương Khóa VIII trình Đại hội; thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.
Đại hội bầu BCH Trung ương Khóa IX gồm 150 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng.
Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại, mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
LÊ VĂN TÝ
(còn tiếp)