Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và lần thứ XI của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.176 đại biểu, đại diện cho 3,1 triệu đảng viên trong cả nước.
Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Duy Sơn
Chủ đề của Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.
Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới. Từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển đến năm 2010, sửa đổi một số điều của Điều lệ Đảng…
Mục tiêu trực tiếp của Đại hội X là đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Ngoài ra, các mục tiêu khác bao gồm: Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đại hội X chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; tăng cường quốc phòng và an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
Đại hội X thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được bổ sung, sửa đổi gồm 12 chương, 48 điều và bầu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Khóa X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, BCH Trung ương khóa X bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư gồm 8 đồng chí, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Khóa X.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng họp từ ngày 12 đến 19-1-2011, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên.
Chủ đề của Đại hội: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội XI của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và yếu kém, khuyết điểm; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
BCH Trung ương đã trình Đại hội các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Báo cáo Chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng Khóa X.
Trên cơ sở các văn kiện được trình tại Đại hội, BCH Trung ương đã nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là: Xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Đại hội quyết định mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Đại hội nhất trí thông qua những định hướng phát triển được nêu ra trong Chiến lược như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông...
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, BCH Trung ương đề nghị kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng, xây dựng Đảng trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội XI nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng Khóa X; thông qua các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đại hội bầu ra BCH Trung ương Đảng Khóa XI gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, BCH Trung ương Khóa XI bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Khóa XI.
LÊ VĂN TÝ
.