Thứ Bảy, 23/01/2016, 11:16 (GMT+7)
.

Đại hội Đảng lần thứ XII: Tham luận, thảo luận văn kiện Đại hội

Tại Đại hội XII của Đảng nhiều tham luận tham luận của các đại biểu tập trung đánh giá, khẳng định những thành tựu nổi bật của các bộ, ngành, địa phương qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước. Từ thực tiễn trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tại địa phương, đơn vị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học và đề xuất giải pháp nhằm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Phỏng vấn đại biểu bên hành lang Đại hội. Ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: : Nhấn mạnh việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách, Bộ trưởng đề xuất trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột: Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7% có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8% để đến năm 2035 có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Trước mắt, phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin. Hai là phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia. Ba là, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam. Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội. Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang vào ngày làm việc thứ hai của Đại hội. Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Hoàn thiện thể chế là nội dung cốt lõi nhất để thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong những năm qua, những ràng buộc về tính thống nhất của thể chế chưa cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thật sự khai thác, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện đặc thù của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, trong thiết kế thể chế rất cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, tạo không gian chủ động cho các địa phương. Quá trình hoàn thiện thể chế cần tạo đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; quy định minh bạch ba cơ chế về phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương; đồng thời tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tập trung hơn nữa vào 3 nhiệm vụ là: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm. Đối với các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Mong muốn Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong chủ trương rất đúng đắn là chuyển nền hành chính mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ, dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.  Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh : Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới cần có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng trong từng giai đoạn về hội nhập quốc tế, sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương. Tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập....  Đến trưa 23-1 đã có 34 tham luận của các đại biểu tập trung đánh giá, khẳng định những thành tựu nổi bật của các bộ, ngành, địa phương qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước. Từ thực tiễn trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tại địa phương, đơn vị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học và đề xuất giải pháp nhằm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.   Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang trong hội trường Đại hội.   Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát đề nghị các chiến lược quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.  Đặc biệt, ngành chú trọng để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án. Cùng với đó, ngành chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến công trình và chất lượng công trình; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang bên hành lang Đại hội. Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nền y tế sẽ hướng tới công bằng, hiệu quả. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách Nhà nước từ cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia bảo hiểm y tế là bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế; Đồng thời để thực hiện định hướng Nhà nước dành ngân sách để ưu tiên cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ cho dân tộc thiểu số, người nông lâm ngư nghiệp, người có mức sống trung bình, người nghèo, người cận nghèo, người dân sống ở biển đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.  Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị BCH Trung ương Đảng Khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến Trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, kể cả bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư trái phiếu Chính phủ và các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Chính phủ cho phép xem xét thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo Nghị quyết 46-NQ/TW là một ngành đặc biệt từ tuyển chọn đến đào tạo và sử dụng đều đặc biệt. Sáng 23-1, Đoàn Thư ký Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cho biết: Qua thảo luận tại các đoàn, đã có 686 ý kiến phát biểu góp ý về các văn kiện trình Đại hội. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, có trao đổi, tranh luận, đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung nhiều nội dung quan trọng cả trong quan điểm chung và từng lĩnh vực cụ thể.  Hầu hết các ý kiến cơ bản nhất trí cao về bố cục, nội dung các văn kiện và cho rằng, các văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, bố cục chặt chẽ, khoa học, có sự đổi mới trong cách thể hiện, nội dung ngắn gọn, súc tích, có tính tổng kết và khái quát cao. Các báo cáo đã tiếp thu nghiêm túc, có chọn lọc ý kiến của Đại hội đảng bộ các cấp, góp ý của các tổ chức và nhân dân, chất lượng được nâng lên; đã đạt được sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.  Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đã góp ý, bổ sung, hoàn thiện, làm rõ thêm một số đánh giá, nhận định, dự báo, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp; bổ sung, rà soát chuẩn xác một số số liệu; cân nhắc bổ sung, điều chỉnh một số chỉ tiêu, góp ý cụ thể về câu chữ trong báo cáo.                                                                                                                             DUY SƠN    
.
.
.