Thứ Hai, 29/02/2016, 14:34 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 108 NĂM NGÀY SINH VÀ 20 NĂM NGÀY MẤT ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ THẬP

Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được tặng Huân chương Sao vàng

Năm 1985, ghi nhận công lao đặc biệt quan trọng của những cán bộ Đảng, Nhà nước cấp cao, Chủ tịch nước ký Quyết định tặng, truy tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của đất nước lần đầu tiên cho 79 cán bộ, trong đó có bà Nguyễn Thị Thập - phụ nữ duy nhất.

Bà là đại biểu Quốc hội của Tiền Giang tham dự Kỳ họp Quốc hội Khóa I tại Hà Nội năm 1946. Bà có gần 20 năm đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà là một huyền thoại của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ miền Nam thành đồng Tổ quốc. Lịch sử Tiền Giang mãi mãi ghi nhận bà Nguyễn Thị Thập là người con ưu tú, là tấm gương tiêu biểu của nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Người miền Nam quen gọi bà Nguyễn Thị Thập là “Má Mười Thập”. Bà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908 tại xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình nông dân yêu nước.

Năm 17 tuổi, nghe theo lời cha, bà có chồng và theo chồng về quê chồng sinh sống. Sống với chồng được gần 2 năm, bà hạ sinh 1 cháu trai, nhưng vì mâu thuẫn gia đình, đặc biệt là sự bất đồng quan điểm sống giữa vợ chồng, bà gửi con lại cho nhà chồng nuôi, gạt nước mắt từ biệt con để quay trở lại quê nhà.

Năm 20 tuổi, bà tham gia tổ chức Nông hội đỏ ở Long Hưng, tổ chức nhiều hoạt động, được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (lấy bí danh Mười Thập).

Sau đó bà thoát ly gia đình hoạt động cách mạng. Công tác đầu tiên của bà là giao liên, sau đó vận động xây dựng cơ sở Đảng ở các huyện trong tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre. Năm 1933, bà được tổ chức Đảng phân công lên nội thành Sài Gòn hoạt động gầy dựng phong trào. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với nữ cán bộ từ nông thôn đến sống và hoạt động ở đô thành.

Tại Sài Gòn, bà đã nhanh chóng thích ứng và thâm nhập vào cuộc sống của dân nghèo thành thị, xóm công nhân thợ thuyền để tuyên truyền giác ngộ giai cấp, vận động họ đoàn kết lại, vùng lên đấu tranh đòi quyền lợi, đòi tự do dân tộc, xây dựng cơ sở mật để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài.
Tháng 4-1935, bà được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ.

Sau đó bà bị thực dân Pháp bắt giam đưa vào Khám Lớn - Sài Gòn, nhưng vì không đủ chứng cứ nên bọn giặc buộc phải trả tự do cho bà. Từ quê hương Long Hưng, dấu chân của bà in khắp các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc... làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nhân dân và phụ nữ xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, những lề thói lạc hậu, chống lại chế độ “ngu dân”, phát hiện những nhân tố mới và cùng với cơ sở bồi dưỡng phát triển đảng viên, củng cố, phát triển cơ sở Đảng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà và ông Lê Văn Giác đến với nhau qua sự cảm phục tài năng, đức độ của nhau. Hoạt động của ông bà nổi tiếng đến mức chính quyền tay sai đặt biệt danh cho 2 người là “Vua Giác” và “Hoàng hậu đỏ”.

Tháng 4-1937, bà lãnh đạo nhân dân xã Long Hưng đấu tranh chống thuế thân, bị địch bắt giam 6 tháng, nhân dân kéo nhau biểu tình đòi trả tự do cho bà. Ra tù, bà tiếp tục đi khắp nơi trong tỉnh Mỹ Tho để củng cố tổ chức, củng cố phong trào. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của bà, hàng loạt các xã còn lại ở huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy xây dựng được chi bộ cơ sở, phong trào cách mạng bắt đầu khởi sắc.

Năm 1940, bà được phân công cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Mỹ Tho chuẩn bị khởi nghĩa. Mùa hè năm đó, đang trên đường đến xã Long Hưng họp với Huyện ủy Châu Thành để bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa, bà bị bọn mật thám của tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) phục kích bắt, đã được nhân dân giải vây.

Sau khi được nhân dân cứu thoát, bà tiếp tục cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Mỹ Tho khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Gần đến ngày khởi nghĩa, bà được phân công chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng tại căn cứ Ba-U. Khi diễn ra cuộc khởi nghĩa, bà chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cánh quân đánh chiếm đồn Tam Hiệp, từ đó phát triển ra lộ 4 (lộ Đông Dương).

Nửa đêm 22 rạng sáng ngày 23-1-1940, nhận được lệnh khởi nghĩa của cấp trên, bà cho liên lạc đến các xã trong vùng truyền lệnh khởi nghĩa và huy động nhân dân đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa. Lực lượng do bà chỉ huy sau khi phá được đồn Tam Hiệp, đã hỗ trợ cho nhân dân khu vực Tam Hiệp giành quyền làm chủ. Ổn định xong tình hình, lực lượng vũ trang do bà chỉ huy kéo ra lộ Đông Dương phát triển về hướng Long Định và hội quân cùng với cánh quân do đồng chí Nguyễn Văn Tân chỉ huy.

Khi đến Long Định, bà nhận được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa không cần phải đánh bót Cầu Đúc Long Định mà phải chia lực lượng: Một cánh đưa các thương binh về căn cứ Ba U tiếp tục thực hiện nhiệm vụ uy hiếp lộ Đông Dương và bảo vệ căn cứ Ba U; cánh thứ hai rút về khu vực đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành để bảo vệ chính quyền nhân dân của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thập cùng với đồng chí Nguyễn Văn Tân cùng về đình Long Hưng nhận nhiệm vụ mới.

Từ đêm 25 đến đêm 27-11-1940, Ủy ban nhân dân tỉnh Mỹ Tho lần đầu tiên trong cả nước thành lập Tòa án nhân dân để công khai xét xử những tên ác ôn có nợ máu với nhân dân nhằm hạ huy thế địch, giáo dục những người lầm đường lạc lối và nâng cao ý thức chính trị cho nhân dân.

Khi phiên tòa diễn ra, những đồng chí lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa thay phiên làm Hội đồng xử án, đại diện nhân dân giữ quyền công tố tố cáo tội ác của bị cáo đối với nhân dân, bà Nguyễn Thị Thập thay mặt Đảng, chính quyền của tỉnh giữ quyền bào chữa cho bị cáo.

Trong các phiên xử, bằng những lời lẽ đanh thép, bà Nguyễn Thị Thập khẳng định những tội ác của các bị cáo gây ra cho nhân dân là không thể chấp nhận và tha thứ, nhưng sau đó bằng những lời nói ấm áp, chân tình, bà phân tích cho các bị cáo thấy được những tội ác là do âm mưu thâm độc của thực dân, đế quốc gây ra.

Sau cùng bà thiết tha đề nghị Hội đồng xử án và nhân dân tha chết cho các bị cáo. Mỗi phiên xử, các bị cáo đều được nói lời sau cùng, tất cả đều hứa sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì có hại cho nhân dân.

Trong 3 đêm làm việc, Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho xét xử gần 10 phiên, trong các phiên xử, nhân dân và “bào chữa viên” (gần giống như luật sư bào chữa ngày nay) đều thống nhất xin Hội đồng xét xử tha chết cho các bị cáo và Hội đồng xét xử đồng ý tha chết cho tất cả các bị cáo.

Việc làm của Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho tuy không nhiều nhưng đã để lại trong lòng nhân dân dấu ấn sâu sắc. Hầu như tất cả các bị cáo sau này chẳng những không cộng sự với địch mà còn tích cực ủng hộ cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đầu năm 1941, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, trong khi bà Nguyễn Thị Thập đang mang thai, gần tới ngày sinh nở nên buộc lòng phải lánh sang tỉnh Bến Tre để sinh con. Sau khi sinh con được 8 ngày, nén nỗi đau mất chồng (ông Lê Văn Giác, Tỉnh ủy viên Mỹ Tho bị địch sát hại trong Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ), bà trở về Long Hưng - cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho - bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao nhưng bà vẫn bám địa bàn, dựa vào quần chúng để gầy dựng lại cơ sở cách mạng một thời gian.

Khi tình hình quá khó khăn, bà buộc lòng gởi con cho gia đình người thân nuôi, cùng với một số cán bộ  chống ghe vào Đồng Tháp Mười. Với vỏ bọc thương lái, bà Nguyễn Thị Thập đi khắp Nam kỳ móc nối những đảng viên đi lánh nạn sau Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ để gầy dựng lại cơ sở, gầy dựng lại phong trào.

Cuối năm 1944, bà đến Sa Đéc bắt liên lạc được với đặc phái viên của Trung ương. Bà nhận được lệnh và tài liệu chuẩn bị khởi nghĩa. Với vỏ bọc là thương lái, bà đi lại khắp vùng Đồng Tháp Mười để bắt liên lạc với một số cán bộ các tỉnh. Bà tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng trong tình hình mới và cùng cán bộ địa phương xúc tiến thành lập Tỉnh ủy 2 tỉnh Mỹ Tho và Sa Đéc.

Tháng 4-1945, bà cùng ông Trần Văn Di tổ chức Hội nghị để thành lập Xứ ủy Nam kỳ lâm thời tại xã Thạnh Phú (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), thường gọi là  Xứ ủy Giải phóng (*). Tháng 5-1945, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, bà liên lạc với ông Trần Văn Giàu để bàn việc thống nhất 2 Xứ ủy nhằm tăng cường sức chiến đấu của Đảng và bà đã hoàn thành xuất sắc việc thống nhất 2 Xứ ủy.

Sau đó, bà cũng là người đứng ra dàn xếp thống nhất 2 Tỉnh ủy của tỉnh Mỹ Tho (Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải phóng) sớm nhất ở Nam bộ. Việc thống nhất 2 Tỉnh ủy đã giúp Mỹ Tho hoàn thành việc giành chính quyền nhanh và sớm nhất ở Nam bộ (Mỹ Tho ngày 18-8-1945, Gò Công 22-8-1945).

Đầu tháng 8-1945, bà được cử đi dự đại hội Quốc dân họp ở khu căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), nhưng do đường sá khó khăn nên khi vừa đến được Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám cũng đã giành thắng lợi. Vì thế bà ở lại Thủ đô, làm việc với Trung ương Đảng và được Tổng Bí thư Trung ương Đảng Trường Chinh giao trọng trách cùng phái viên của Trung ương tiến hành việc thống nhất Đảng bộ Nam bộ.

Đến cuối tháng 8-1945, bà về đến Mỹ Tho và bắt tay ngay vào việc thực hiện Chỉ thị của cấp trên. Trong cuộc bầu cử ngày 6-1-1946, với cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bà về miền Nam với nhiệm vụ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là tiếp tục xây dựng và củng cố công tác xây dựng Đảng ở Nam bộ.

Năm 1947, thực hiện chủ trương của Đảng, bà thành lập Đoàn Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, sau là Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam bộ. Năm 1953, bà được Trung ương điều ra miền Bắc. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20-7-1954), bà được cử vào miền Nam để phổ biến Hiệp định đình chiến. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà trở ra miền Bắc theo diện cán bộ miền Nam tập kết.

Năm 1955, bà được bầu làm Hội trưởng rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương. Bà đã cùng tập thể lãnh đạo của Trung ương Hội đề ra những chủ trương rất sáng tạo nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ cả nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Ngoài những chức vụ trên, bà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ Khóa II đến Khóa IV (1951 - 1981), đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VI, Phó Chủ tịch Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VI (1960 - 1980). Ở bất kỳ cương vị công tác nào bà cũng luôn thể hiện sự năng động, tính kiên quyết và sự quan tâm sâu sát đến phụ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tham gia vào các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Bà cũng đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết với công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ trong bộ máy đoàn thể, chính quyền các cấp, các ngành. Bà cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới như một điểm son chói lọi.

Với những thành tích to lớn và xuất sắc đã đạt được, bà đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ tặng danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”. Bà có chồng và 2 con hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà mất ngày 19-3-1996 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi. Theo di nguyện, bà được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang. 

Bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ quê hương Tiền Giang tuy không còn nữa, nhưng tấm gương của bà luôn sống mãi với người dân Tiền Giang, đặc biệt là với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước.

TÔ THẾ TRUYỀN

(*) Do thiếu thông tin, nên bà và một số cán bộ không biết từ tháng 10-1943,  ở quận Chợ Gạo, một số cán bộ Đảng đã họp và quyết định thành lập Xứ ủy, do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Xứ ủy phát hành tờ báo lấy tên Tiền Phong, do đó nhiều cán bộ gọi Xứ ủy này là Xứ ủy Tiền Phong.

.
.
.