Thứ Hai, 07/03/2016, 08:46 (GMT+7)
.

Bà Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu và những phụ nữ anh hùng hào kiệt đã từng: “Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà Nguyễn Thị Thập còn đặc biệt quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tham gia cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập tham gia tổ chức Nông hội đỏ - một tổ chức của Đảng ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngày 1-5-1930, bà đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở huyện Châu Thành, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia nhằm đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống ách áp bức của đế quốc, phong kiến.

Tháng 4-1935, bà được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ. Một lần cuộc họp Xứ ủy bị lộ, bà Nguyễn Thị Thập bị bắt cùng một số đồng chí. Mặc dù bị địch tra tấn dã man 2 tháng trời ở Sở mật thám Ca-ti-na, nhưng bà vẫn trung kiên, một lòng một dạ trung thành với cách mạng. Địch kết án bà 1 năm tù và đưa về Khám lớn Sài Gòn (tháng 5-1935).

Sau khi ra tù (cuối tháng 6-1936), bà được Đảng phân công về Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An hoạt động. Bà cùng các đồng chí tham gia vận động Đông Dương đại hội và được phân công trong Ủy ban sưu tập Dân nguyện.

Khi đó, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng rộng, càng sâu. Bà như cánh chim bay không biết mỏi, đi khắp các tỉnh miền Trung Nam bộ, nay tỉnh này, mai tỉnh khác. Bà thường đi một mình, khuyến khích bà con đưa Dân nguyện, viết các bài báo đấu tranh chống bọn làng xã ức hiếp dân lành gửi về cho Báo Dân chúng. Bà còn vận động quần chúng lập Hội Tương tế Ái hữu, Hội Nhà giàng, vận động tá điền đấu tranh đòi địa chủ giảm lúa ruộng, bớt công sưu công lễ của tá điền do Đảng phát động trong nhiều tỉnh lúc đó.

Năm 1940, khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, dù đã gần đến ngày sinh nở, bà vẫn thắt khăn, nịt bụng, chỉ huy dân quân, đồng bào trương cờ, biểu ngữ xông vào cướp đồn Tam Hiệp. Sau khi sinh, bà quyết định gửi con để tiếp tục hoạt động. Bà tham gia xây dựng các cơ sở đầu tiên như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, xây dựng lại cơ sở Đảng, tổ chức nhiều chi bộ...

Là người lãnh đạo xuất sắc của phong trào phụ nữ những ngày Nam bộ kháng chiến, tham gia Mặt trận Việt Minh nên bà Nguyễn Thị Thập được Đảng phân công phụ trách công tác phụ nữ để xây dựng các cơ sở quần chúng, củng cố chính quyền cấp xã, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, đi đến tỉnh nào bà cũng liên hệ với phụ nữ.

Để tổ chức thành lập Hội Phụ nữ Nam bộ, bà đã cùng các chị trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ các tỉnh ra sức củng cố lại tổ chức của mình và triệu tập Hội nghị đại biểu toàn Nam bộ (có Ban Chấp hành Hội Phụ nữ của 14 tỉnh về dự). Từ cơ sở ban đầu này, đến cuối năm 1949 đã có đầy đủ Ban Chấp hành của 21 tỉnh, nhờ đó phong trào phụ nữ khắp các tỉnh Nam bộ đều lên mạnh.

Trong lãnh đạo công tác phụ nữ, bà Nguyễn Thị Thập thường chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ -
một công tác quan trọng hàng đầu. Bà đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ nữ tận tụy, quên mình vì công việc, trở thành những người “đày tớ của nhân dân”; nhiều nữ sinh được đào tạo trong những năm đầu kháng chiến có tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và trưởng thành dần trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 8-1945, khi thời cơ “ngàn năm có một” để vùng lên tổng khởi nghĩa đã đến, bà tham gia lãnh đạo quần chúng giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho. Trong Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1-1946), bà được bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa I.

Bà từng tâm sự: “Hai lần tôi vượt hiểm nghèo ra Bắc đều là giữa 2 lần Nam bộ lâm vào tình cảnh nước sôi lửa bỏng…”. Đây cũng là thời gian bà thu thập, sưu tầm được nhiều sách, báo tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, Báo Cứu quốc, tranh, ảnh, ca dao để đem về Nam bộ.

Trở về Nam bộ, đến Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Bến Tre..., bà đã đọc bức thư của Trung ương gửi đồng bào Nam bộ bằng tất cả tấm lòng và tình cảm để động viên, khích lệ phụ nữ Nam bộ, Hội Mẹ chiến sĩ (gồm các bà từ 50 tuổi trở lên) tích cực tham gia phong trào “Ủng hộ bộ đội”, “Nuôi quân diệt giặc”.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà được chỉ định làm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Nam bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc (năm 1954), bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ II (1956 - 1961) đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 50 ủy viên, Ban Thường trực Trung ương hội gồm 13 ủy viên, bà Nguyễn Thị Thập tái đắc cử Chủ tịch Hội.

Năm 1955, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Với kinh nghiệm và tâm huyết với công tác phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (tháng 3-1961), bà Nguyễn Thị Thập đã được bầu lại làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt.

Ngày 19-3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “3 đảm đang” trong giới phụ nữ miền Bắc: Đảm đang sản xuất và công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; đảm đang việc gia đình cho chồng con, anh em yên tâm chiến đấu, khuyến khích chồng, con anh em tham gia quân đội và phục vụ lâu dài trong quân đội; đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ Quân đội, Công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu, do bà Nguyễn Thị Thập trực tiếp lãnh đạo, đã  lôi cuốn hàng triệu phụ nữ tham gia.

Tính đến tháng 5-1965 đã có 1.700.000 phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ 3 đảm đang”, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Niềm say mê học tập văn hóa và lý luận là một đức tính quý báu của bà Nguyễn Thị Thập. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng bà vẫn dành mỗi tuần 2 buổi cùng một số cán bộ nghe Giáo sư Phan Huy Lê giảng dạy về lịch sử Việt Nam.

Từ thực tiễn hoạt động trong phong trào phụ nữ và với những kiến thức về lịch sử dân tộc, bà có công lớn trong việc ra đời 2 cuốn sách về “Tổng kết phong trào phụ nữ toàn quốc”. Sau ngày thống nhất đất nước, gần 70 tuổi, bà vẫn đi khắp các tỉnh miền Nam để chỉ đạo Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…

Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ, kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, bà Nguyễn Thị Thập đã tổ chức và lãnh đạo phong trào phụ nữ rất sắc sảo, có nhiều sáng kiến, tập hợp, đoàn kết được các lực lượng phụ nữ trong nước, ngoài nước thành một mặt trận phụ nữ rộng rãi và vững chắc, làm trợ thủ đắc lực cho Đảng và Nhà nước trong công tác phụ vận. Bà Nguyễn Thị Thập đã có nhiều cố gắng phát triển phong trào phụ nữ một cách toàn diện.

Trong hoàn cảnh có chiến tranh, Báo Phụ nữ Việt Nam vẫn được phát hành đều đặn, có cả tờ báo dành riêng cho phụ nữ nông dân. Nhà Xuất bản Phụ nữ xuất bản nhiều sách có nội dung phong phú. Trường đào tạo cán bộ phụ nữ liên tục mở lớp. Công tác đối ngoại cũng được bà và Đảng đoàn phụ nữ đặc biệt quan tâm.

Ban Liên lạc Quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ ra bản tin đều đặn bằng ngoại ngữ. Nhiều cán bộ được Hội cử đi các diễn đàn phụ nữ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của phụ nữ các nước đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Hội cũng đã mời được nhiều đoàn phụ nữ nước ngoài, kể cả phụ nữ Mỹ vượt bom đạn đến thăm hữu nghị Việt Nam. Uy tín của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và uy tín của bà Nguyễn Thị Thập được nâng cao trong phong trào phụ nữ quốc tế.

Một điểm nổi bật nữa ở sự lãnh đạo sáng suốt của bà Nguyễn Thị Thập là cùng Đảng đoàn phụ nữ sớm cử cán bộ nữ có năng lực tham gia lãnh đạo ở các bộ, ngành có đông lao động nữ hoặc có khả năng chăm lo cho quyền lợi phụ nữ như: Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao…

Hơn nửa thế kỷ chiến đấu liên tục trong hàng ngũ của Đảng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam bộ; Hội trưởng Phụ nữ Nam bộ; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Khóa II đến Khóa IV; được bầu vào Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VI, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VI, bà luôn luôn gần gũi với mọi người, quan tâm tha thiết đến quyền lợi của phụ nữ, đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Bà đã đề xuất nhiều chính sách về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Năm 1985, bà Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước. Bà còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

PGS.TS NGUYỄN THỊ THANH
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

.
.
.