Chị Mười!
Tôi là Nguyễn Thị Loan, thường được chị Mười (đồng chí Nguyễn Thị Thập) gọi là “Bé Loan”, rồi thành danh luôn trong cơ quan Phụ nữ cứu quốc Nam bộ từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, cho đến nay đã 80 tuổi đời rồi mà các chị và bạn bè cũng cứ gọi là “Bé Loan”, không lẫn lộn với bất cứ tên Loan nào khác...
Quê tôi cùng quê với chị Mười (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Chị Mười về chốn vĩnh hằng đã lâu, mà bao kỷ niệm gắn liền với chị có chuyện trực tiếp, có chuyện gián tiếp luôn để lại trong tôi không thể phai mờ.
Năm 1940 tôi 12 tuổi, một cảnh tượng ghê rợn: Người chết trôi sông tấp vào đám lục bình và cành cây keo ven bờ sông “Aroyo de la Poste” sau vườn nhà tôi. Mẹ tôi cùng một người bà con “dì Hai Sử” ở Long Hưng tản cư ra ở nhờ nhà tôi đã đem cơm, muối ra bờ sông cúng vái người chết trôi.
Hàng xóm nghe tin kéo nhau ra xem. Họ nói khẽ với nhau: Cộng sản nổi dậy ở Long Hưng, do chị Tốt phụ trách”. Nghe vậy, “dì Hai Sử” trừng mắt bảo: Im đi! Tôi không hiểu vì sao dì Hai Sử trừng mắt bảo im, không được nhắc tên chị Tốt và chị Tốt có liên quan gì với chuyện cộng sản nổi dậy ở Long Hưng?
Năm 1942, tôi thi đậu, lên Trường Nữ học đường (Collège des jeunes filles indigenes - thường gọi là Trường Áo Tím). Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Nhật thua, Sài Gòn bị ném bom, tôi rời trường về quê...
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, tôi được nghe nhiều về hoạt động cách mạng của các bác ở Côn Đảo về, mà điều ghi nhận đậm nét nhất với tôi là hai chữ “cứu nước”. Không một chút ngần ngại, tôi tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc. Từ đây tôi được nghe tên người lãnh đạo phụ nữ là Nguyễn Thị Thập (chị Mười Thập) nhưng chưa hề biết mặt.
Tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc, tôi theo bộ đội làm cứu thương. Vào một buổi sáng, đi ngang qua Mỹ Quí thấy một người đàn bà nông dân đứng cạnh bờ sông. Một anh trong đoàn chỉ người đàn bà nông dân nói: “ Kìa chị Tốt!”. Chị Tốt là ai? Chị Tốt ở Long Hưng ấy mà - người cộng sản hồi Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, bây giờ là lãnh đạo Phụ nữ cứu quốc. Chị Mười Thập đấy! Thì ra, chị Tốt mà tôi đã được nghe từ năm 1940 là chị Mười Thập.
Xin qua một chuyện khác:
Đầu năm 1946, trong bạn bè cùng đi có bạn mớm lời rủ trở về gia đình. Tôi từ chối: Bao giờ có độc lập mới về và từ đó tôi mong ước được gặp người lãnh đạo của phong trào Phụ nữ cứu quốc mà mình đã tình nguyện gia nhập.
Về đến Rạch Giá (U Minh), tôi được giới thiệu về Tỉnh đoàn Phụ nữ cứu quốc Rạch Giá. Nơi đây tôi được ở bên cạnh 2 chị Trần Thúy Liễu và chị Lê Thị Riêng, được dịp nghe các chị nói về chị Mười Thập và được hướng dẫn đi cơ sở xây dựng phong trào.
Không bao lâu, Tỉnh hội Rạch Giá tiến hành Đại hội bầu Ban Chấp hành. Tôi được bầu vào Ban Chấp hành và được bầu làm đại biểu đi dự Đại hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ. Tôi được cùng đi với chị Trần Thúy Liễu và chị Lê Thị Riêng.
Trên 2 tháng trời qua bao đồn bót, qua sông Bạc Đầu đến Đồng Tháp Mười - căn cứ kháng chiến miền Trung Nam bộ dự Đại hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ do chị Nguyễn Thị Thập lãnh đạo. Tôi được gặp lại một số bạn bè cùng lứa học ở Trường Áo Tím: Chị Châu, chị Minh và nhiều chị đại biểu các tỉnh Nam bộ. Niềm vui khôn xiết trong tôi là được gặp chị Mười Thập.
Sau Đại hội, chị Mười hỏi tôi: Em có muốn về thăm gia đình không? Sau Đại hội có biết bao việc quan trọng phải lo mà chị Mười vẫn quan tâm đến tôi. Về sau, tôi biết chị Mười giữ tôi lại để làm báo với chị Hồ Thị Minh, cùng quê Mỹ Tho, cũng là nữ sinh Trường Áo Tím.
Báo Phụ Nữ Cứu Quốc chỉ có chị Hồ Thị Minh, chị Nhã, tôi (Bé Loan) và 3 cháu của chị Mười. Tin tức hoạt động của phong trào Phụ nữ cứu quốc các tỉnh đưa về được báo phản ánh, cổ vũ phong trào phụ nữ toàn Nam bộ.
Từ lúc ở Rạch Giá, tôi đã được chị Liễu và chị Riêng nói về Đảng với tôi, thử thách tôi trong công tác ở cơ sở, giờ đây được gần chị Mười tôi được giáo dục sâu sắc hơn về Điều lệ Đảng và tôi đã được vinh dự kết nạp Đảng vào ngày 2-9-1947 tại Chi bộ Văn phòng Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, trực thuộc Đảng bộ Kỳ bộ Việt Minh với bí danh Nguyễn Thị Loan, trải qua 6 tháng dự bị và đã trở thành đảng viên chính thức vào ngày 2-3-1948.
Năm 1948, tình hình miền Đông gặp nhiều khó khăn nên Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ kêu gọi chị em tình nguyện đi miền Đông. Tôi liền tình nguyện. Lúc bây giờ có Phan Lê ở tỉnh Bến Tre cũng tình nguyện đi chiến khu Đ Biên Hòa là nơi khó khăn nhất. Một số chị em đã bị bắt, bị tù, có chị hy sinh, có chị bị cọp ăn thịt trong lúc giặc bao vây phải vào rừng...
Tôi và Phan Lê cùng các chị ở chiến khu Đ đi cơ sở xây dựng phong trào. Tôi đi quận Châu Thành, Phan Lê đi quận Long Thành. Một cuộc ruồng bố của địch bao vây Long Thành. Phan Lê bị địch bắt, tra khảo dã man, quyết không đầu hàng. Chị Tư Định lúc bấy giờ là Đoàn trưởng có ý định điều tôi trở về, nhưng chị Mười muốn Bé Loan ở lại để phấn đấu trở thành đảng viên chính thức. Tôi ở lại được 2 năm ở chiến khu Đ Biên Hòa.
Năm 1950, Phụ nữ cứu quốc Nam bộ chuẩn bị Đại hội lần thứ II, lúc bấy giờ đã chuyển về miền Tây. Tôi được gọi về. Tôi đã yêu và hứa hôn với anh Hồ Thiện Ngôn. Mới về đến nơi, chị Mười quan tâm ngay: Bé Loan đã có ý định lập gia đình phải không? Áy náy quá, tôi thưa: Thưa chị Mười, chúng em chỉ mới hứa hôn thôi. Đợi khi độc lập chúng em mới lấy nhau.
Ở Đại hội, nhiều chị em đều cùng có tư tưởng: “Độc lập mới lấy chồng”. Nhiều chị bình phẩm về chuyện Bé Loan đã yêu. Anh Ba - đồng chí Lê Duẩn biết chuyện này đã nói: “Lúc còn là thanh niên gọn gàng mang ba lô đi làm cách mạng thì dễ thôi, nhưng khi có chồng, có con mà vẫn hoạt động được mới thực sự trung thành với cách mạng”.
Thế là tư tưởng thông thoáng. Các anh bên thanh niên và các chị bên Phụ nữ cứu quốc lo tổ chức lễ thành hôn cho chúng tôi. Khi đứa con “Chí Công” ra đời, chị Mười bàn với Văn phòng Phụ nữ cho chị Nghĩa - y tá của Văn phòng Phụ nữ sang nuôi tôi những ngày còn non tháng. Sau 3 tháng, con tôi được đưa đến Trại hài ấu nhi do dì Năm Nguyễn An Ninh phụ trách, để tôi trở lại công việc một cách tích cực cho đến ngày nghỉ hưu.
NGUYỄN THỊ LOAN