Thứ Tư, 23/03/2016, 07:29 (GMT+7)
.

Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Trong giai đoạn 2011-2015, vấn đề Biển Đông trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vấn đề này được nêu rõ trong nhiều báo cáo trình bày tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc nêu rõ:

Một trong chín kết quả đạt được trong nhiệm kỳ công tác vừa qua là công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Kiên định trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc; tích cực vận động và được cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta về vấn đề Biển Đông.

Giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Xây dựng và quản lý biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng.

Về giai đoạn phát triển tới, Chính phủ nhận định trong 5 năm tới, tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường. Từ đó, Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, trong đó liên quan đến công tác quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, cần: 

Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước; không để bị động, bất ngờ.

Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển...

Trong hoạt động đối ngoại, Chính phủ xác định: Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của khu vực, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Nội dung liên quan đến Biển Đông được đề cập toàn diện trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày ngày 22-3, từ phát triển kinh tế biển, bảo đảm an sinh đến tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Cụ thể, trong phát triển kinh tế-xã hội, cần tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Biển; phát triển y tế biển đảo. Đồng thời, gắn kết quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, thực hiện tăng dày, tôn tạo và phân giới cắm mốc; chú trọng xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí, bảo vệ ngư dân và tham gia cứu hộ, cứu nạn; tập trung đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; chăm lo nâng cao đời sống của người dân trên các đảo...

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.

Chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.

Đồng thời đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày nêu rõ: Trong nhiệm kỳ của mình, Quốc hội đã có nhiều quyết định góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống, trong đó có hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến cả về nội dung và hình thức, góp phần tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực phản động, thù địch.

Quốc hội cũng xác định, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...

Nội dung về Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày. Cụ thể, Báo cáo khẳng định: "Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, trước tình hình thế giới và Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tại các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương;

Định kỳ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; luôn quan tâm chăm lo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc;

Dành thời gian thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ; chỉ đạo tăng cường các tuyến biên giới phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 và Tết nguyên đán, Chủ tịch nước đều gửi thư thăm hỏi và quyết định tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đối tượng chính sách và lực lượng bộ đội đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;

Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước".

Những vấn đề nêu trên cũng là băn khoăn, lo lắng được cử tri và nhân dân cả nước gửi kiến nghị tới Quốc hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày nêu rõ: "Cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC)".

Cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.

(Theo Chinhphu.vn)

.
.
.