Nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong cuộc bầu cử ĐBQH&đại biểu HĐND
Toàn tỉnh đang tập trung thực hiện những công việc cần thiết chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trên chuyên mục “Tiến tới cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021” kỳ này, Báo Ấp Bắc giới thiệu ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp.
Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, tiếp tục đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử, ứng cử để lập ra cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương là Quốc hội và HĐND các cấp.
Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện -
cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015.
Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của HĐND.
MAI HÀ (tổng hợp)