Thứ Tư, 09/03/2016, 08:46 (GMT+7)
.

Những kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Thập

Tôi quê ở xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, cùng chung mảnh đất Tiền Giang quê hương của bà Nguyễn Thị Thập. Không có cơ hội được học tập, công tác hoặc trực tiếp được bà Nguyễn Thị Thập dìu dắt, có thể nói các kỷ niệm của tôi về bà Nguyễn Thị Thập không nhiều, nhưng thực sự có ý nghĩa, gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Đó là quãng thời gian tuổi thơ tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, thời gian ở tù và đặc biệt là thời gian tôi công tác ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ  (LHPN) Việt Nam.

Tôi sinh ngày 18-8-1945. Tuổi thơ tôi đã chứng kiến cảnh quê hương bị giặc giày xéo, đã được nghe nhiều câu chuyện lịch sử và được biết bà Nguyễn Thị Thập đã lãnh đạo phong trào Nam kỳ khởi nghĩa. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của bà Nguyễn Thị Thập - lúc đó được gọi là chị Mười, gần đến ngày sinh nở vẫn thắt khăn, nịt bụng chỉ huy đồng bào, trương cờ, biểu ngữ xông vào cướp đồn Tam Hiệp trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đây cũng là lúc bà Nguyễn Thị Thập trải qua những tháng ngày đau thương, nếm trải sự mất mát to lớn: Người chồng thân yêu, người chiến sĩ cộng sản kiên cường Lê Văn Giác bị giặc bắt và kết án tử hình. Bản thân bà bị giặc truy nã khắp nơi, sinh con trai út được 8 ngày phải nuốt nước mắt gửi con để ra đi hoạt động gầy dựng cơ sở, củng cố phong trào…

Trong tôi, có cả tình cảm yêu thương, khâm phục, lòng tự hào về bà Nguyễn Thị Thập và cả niềm tin tưởng, muốn theo gương bà. Truyền thống quê hương, gia đình như một lẽ tự nhiên đưa tôi đến với cách mạng. Cha đi tập kết, má ở lại hoạt động cách mạng, tôi làm liên lạc giúp má và các chú, đi rải truyền đơn cùng chị Hai.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tôi chính thức thoát ly gia đình lên Sài Gòn tham gia công tác vận động thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1964, tôi bị bắt tại Sài Gòn trong một lần đi rải truyền đơn trong chiến dịch tuyên truyền chống lại lệnh tổng động viên toàn lực, chống bắt lính, chống quân sự hóa học đường, quân sự hóa toàn dân của chính quyền Sài Gòn.

Suốt 11 năm ở khắp các nhà lao: Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp và Côn Đảo, cũng như bao chị em tù nhân khác, chúng tôi đã nếm trải những tháng ngày cực khổ, đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, gian ác của kẻ thù, bị tra tấn, cực hình, có cả những phút giây yếu đuối, mềm lòng nhưng cuối cùng chúng tôi đã đứng vững, vượt qua thử thách.

Chúng tôi đã lập ra ban lãnh đạo bên trong nhà tù, soạn những bài ca chiến đấu, phân phát truyền đơn bí mật do chúng tôi tự viết, tổ chức kỷ niệm những ngày lịch sử cách mạng, giúp nhau học chính trị, quân sự, y tế, làm thơ, ca múa, nấu ăn, may, đan, thêu... nhưng quan trọng hơn hết là học cách sống, cách đối nhân xử thế ở đời, cách đánh địch và cách làm người cộng sản.

Sức mạnh của người tù là ý chí, tinh thần được xây dựng từ tình yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu đất nước, nhân dân, yêu đồng chí, đồng đội. Nhà tù đã trở thành trường học cách mạng, trở thành trường đại học chính trị của chúng tôi, giúp các chiến sĩ cách mạng có nghị lực hơn, vượt qua thời gian, không gian, gắn bó hơn với cuộc cách mạng bên ngoài nhà tù.

Trong những năm tháng tù ngục đó, chúng tôi đã học tập, rèn luyện được rất nhiều. Dù gian khổ nhưng chị em vẫn luôn động viên nhau học tập, rèn luyện. Chúng tôi tập đánh vần, học từng bài thơ, học cửu chương, người biết dạy cho người chưa biết, chỉ có 2 người trong phòng giam cũng dạy nhau. Lúc đó, chúng tôi đã lấy câu chuyện bà Nguyễn Thị Thập học văn hóa để động viên nhau.

Tôi thường kể cho chị em câu chuyện bà Nguyễn Thị Thập không biết chữ nên khi ký bà chỉ đánh dấu + (chữ thập), đó có thể là lý do bà tự đặt tên cho mình là Thập, nhưng bà đã nỗ lực học tập, công tác, trở thành cán bộ cách mạng, 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên, là Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam, một nhà lãnh đạo xuất sắc, tiêu biểu của phụ nữ, lấy đó làm tấm gương để động viên mình và chị em trong tù học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.

Với riêng tôi, suốt thời gian 11 năm ở tù, tôi luôn cố gắng theo gương các má, các dì, các chị em đi trước nỗ lực học tập, rèn luyện, giữ vững khí tiết, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng.

Tháng 3-1975, tôi được trả lại tự do và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mũi tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu ở Gia Định của Thành đoàn. Trong niềm vui chung lớn lao, bất tận của cả dân tộc, gia đình tôi được đoàn tụ. Tôi hăm hở lao vào công tác mới theo yêu cầu của cách mạng, cùng các đồng chí, đồng đội lãnh đạo nhân dân chung tay, hiệp lực xây dựng lại thành phố sau ngày giải phóng.

Cuối năm 1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo sự phân công của Đảng, tôi ra Hà Nội nhận công tác mới, làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Những đóng góp của bà Nguyễn Thị Thập cho phong trào phụ nữ, những hoạt động của bà Nguyễn Thị Thập trong vai trò chỉ đạo phong trào phụ nữ, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ… là những bài học kinh nghiệm quý báu giúp tôi và tập thể Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương thực hiện tốt công tác chỉ đạo phong trào phụ nữ thời kỳ này.

Cùng với việc tham gia góp ý sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình cho phù hợp với cách nhìn đổi mới trước quyền lợi của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã tham gia xây dựng Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (năm 1989), trong đó có nhiều chương nói về sức khỏe phụ nữ và trẻ em, về sử dụng lao động nữ, về quyền khám, chữa bệnh của phụ nữ.

Tổng kết phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và chỉ đạo thực hiện 2 cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” với nội dung rất thiết thực, tạo nên sức thu hút đối với phong trào phụ nữ cả nước.

Quyết định 163/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 19-10-1988 kèm theo quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc để các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước là Quyết định quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 176A của Hội đồng Bộ trưởng, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Một số chính sách, pháp luật về phụ nữ và trẻ em cũng được hình thành từ điều kiện này.

Nhớ lại thời kỳ 12 năm công tác ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tôi còn có một kỷ niệm nho nhỏ gắn bó với một vật dụng của bà Nguyễn Thị Thập từng sử dụng. Năm 1987, khi mới ra Hà Nội về cơ quan Trung ương Hội công tác, tôi được cơ quan bố trí nghỉ tại khu nhà bà Nguyễn Thị Thập đã từng ở và được sử dụng chiếc giường cũ của bà.

Chiếc giường nhỏ rộng khoảng 1,4 m, đã cũ, đơn sơ nhưng tôi rất mừng vì luôn cảm thấy sự ấm cúng và tự nhủ phải luôn cố gắng làm theo những điều bà Nguyễn Thị Thập đã làm để đưa phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển.

Chiếc giường này tôi đã sử dụng suốt thời gian công tác ở cơ quan Trung ương Hội, khi làm Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như khi chuyển sang công tác ở Phủ Chủ tịch nước, tính ra khoảng 24 năm. Khi được nghỉ hưu, tôi đã định mang chiếc giường này về Nam, nhưng sau khi nghĩ lại đã quyết định gửi cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ. Tôi coi đó là một kỷ vật thiêng liêng, thể hiện tình cảm của một người con miền Nam, một người cán bộ lớp sau luôn tâm niệm và cố gắng học tập tác phong làm việc và chỉ đạo phong trào sâu sát, cẩn trọng, tỉ mỉ của bà Nguyễn Thị  Thập.

Tôi còn vô cùng khâm phục bà Nguyễn Thị Thập ở tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo phong trào phụ nữ trong công tác viết sử, giáo dục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam.

Có thể nói, bà Nguyễn Thị Thập là người rất tâm huyết với công tác giáo dục truyền thống nói chung, giáo dục truyền thống phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tôi còn nhớ, những năm bà Nguyễn Thị Thập lâm bệnh, khi tôi đến thăm, bà nói truyền thống phụ nữ rất dày, phải giáo dục truyền thống cho phụ nữ Việt Nam, giữ cốt cách phụ nữ Việt Nam.

Đau đáu với việc giáo dục truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục của người phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thập không chỉ lo làm những việc lớn như tổng kết lịch sử, làm Nhà truyền thống phụ nữ, mà còn thường xuyên quan tâm chú ý từng việc nhỏ, góp ý, uốn nắn cho cán bộ phụ nữ đến từng chi tiết, kể cả việc ăn mặc của phụ nữ.

Bà thường nói: Áo dài là nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phải chú ý giữ gìn nét đẹp truyền thống đó. Một lần tôi đón đoàn phụ nữ Pháp do chị Silvie Jan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Pháp, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Sau buổi tiếp chính thức, bạn đề nghị làm việc với một số ban chuyên đề. Hôm sau, khi bạn đang làm việc, tôi có đi ngang qua và bước vào chào, truyền hình đang quay buổi làm việc và cũng ghi hình tôi luôn.

Tối đó, bà Nguyễn Thị Thập xem tivi thấy tôi mặc áo cộc tay, liền gọi điện nhắc nhở ngay: “Mỹ Hoa nhớ mình là phụ nữ nên phải mặc áo dài, nhất là khi tiếp xúc với bè bạn quốc tế vì đó là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam”. Chuyện nhỏ thôi nhưng khiến tôi hết sức cảm động vì thấy bà luôn quan tâm theo dõi, nhắc nhở mình chu đáo như một người bà, người mẹ đối với con, cháu trong gia đình.

Đến nay, bà Nguyễn Thị Thập đi xa đã 20 năm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đôn hậu của bà khi chị em đến thăm, chúc bà sống lâu trăm tuổi. Bà chỉ mỉm cười, giơ tay ý nói “một chút thôi”.

Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của bà Nguyễn Thị Thập cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Là người con của đất Tiền Giang, cùng quê hương bà Nguyễn Thị Thập, trong suốt những năm tháng hoạt động trong phong trào phụ nữ, tôi luôn cố gắng thực hiện những điều mong ước của bà, cố gắng theo bước chân người đi trước, các vị lãnh đạo phong trào phụ nữ tiền bối như bà Nguyễn Thị Thập để phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, dù hội nhập, tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách, truyền thống của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam.

Lược ghi tham luận của bà TRƯƠNG MỸ HOA
(Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)

.
.
.