Thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống hạn và xâm nhập mặn
Ngày 1-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 146-CV/TU về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để kịp thời phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, ưu tiên việc hướng dẫn người dân cách thức phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, chủ động với các giải pháp cụ thể như sử dụng nước tiết kiệm, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nước; trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tổ chức đắp đập thời vụ khi độ mặn vượt mức 2 phần ngàn, tích cực nạo vét các kênh nội đồng, tổ chức bơm trữ nước ngọt trên các tuyến kênh và trên ruộng.
2. Các ngành chuyên môn theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến xâm nhập mặn; thường xuyên tổ chức quan trắc mặn, bằng mọi biện pháp lấy nước ngọt vào nội đồng để trữ nước phục vụ sản xuất và dân sinh; tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân có diện tích sản xuất nằm trong vùng nguy cơ cao cần chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bằng cách gia cố lại hệ thống đê bao, cống đập;
Hướng dẫn, thông báo thời điểm lấy (bơm) nước ngọt vào ao hồ, đồng ruộng; hạn chế xuống giống vụ lúa hè thu ở thời điểm khô hạn cao; đối với diện tích đã gieo sạ phải chuẩn bị máy bơm để bơm tưới đầy đủ; chủ động khuyến cáo điều chỉnh lịch thời vụ cho phù hợp. Đối với nhà vườn, hộ trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản cần thường xuyên theo dõi độ mặn, để kịp thời có giải pháp bảo vệ.
3. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành triển khai việc chở nước ngọt, khoan giếng khai thác nước dưới đất, đầu tư đường ống nối sử dụng nước BOO Đồng Tâm và các trạm cấp nước hiện hữu tại các địa phương, khu vực bị hạn, mặn nghiêm trong như Tân Phú Đông, Gò Công Đông và thị xã Gò Công; đảm bảo nước sinh hoạt, không để người dân bị thiếu nước khi xâm nhập mặn;
Chỉ đạo ngành chuyên môn tính toán, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án cải tạo cửa cống lấy nước Xuân Hòa theo hình thức chủ động đóng mở; xây dựng Trạm bơm điện Xuân Hòa (cạnh cống Xuân Hòa) để bơm bổ cấp nước ngọt kịp thời cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Tiến hành kiểm tra tình hình hạn, xâm nhập mặn tại một số vùng có nguy cơ cao để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp.
Về lâu dài, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần có chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường khuyến cáo người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chịu hạn, thích nghi với mặn. Ưu tiên các loại cây trồng tiết kiệm nước, có giá trị kinh tế cao.
Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ , các bộ, ngành Trung ương cho chủ trương thực hiện dự án "Chuyển nước ngọt từ Tây kênh Chợ Gạo đưa vào dự án Ngọt hóa Gò Công" nhằm ứng phó với tình hình hạn, mặn ngày càng nghiêm trong ở các huyện, thị phía Đông.
4. Các địa phương duy trì bơm chuyền 2 cấp, chủ động triển khai bơm 3 cấp ở những nơi khó khăn để tích trữ nguồn nước ngọt tối đa. Đối với vùng dự án Ngọt hóa Gò Công tổ chức xử lý mặn cục bộ ở những khu vực cuối nguồn bị nhiễm mặn; kiểm tra lại hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng; có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa để bảo vệ tốt sản xuất.
Thường xuyên phối hợp thăm đồng, kiểm tra các đê bao, cống đập nhằm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp đột xuất. Tăng cường vận động các nguồn lực đầu tư hệ thống kênh, mương cống, đập, đê bao để bảo vệ sản xuất; trước mắt, cần tận dụng tối đa nguồn lực hiện có tại địa phương; trong đó sử dụng nguồn vốn dự phòng, phục vụ cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quy định.
5. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phân công từng đồng chí trong ban thường vụ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra thực tế tại địa bàn mình phụ trách, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của hạn, xâm nhập mặn. Nơi nào chủ quan để xâm nhập mặn gây thiệt hại cho nhân dân thì đồng chí chủ chốt của đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.
6. Các cơ quan thông tin, báo đài thường xuyên cập nhật, phản ánh hàng ngày về tình hình hạn và xâm nhập mặn để người dân nắm bắt kịp thời và có biện pháp phòng, chống.
7. Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan chuyên môn và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích cực công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn với quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong thời điểm hiện tại.
8. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy các huyện, thành, thị thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến hạn, xâm nhập mặn cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.
PV