Thứ Hai, 07/03/2016, 15:57 (GMT+7)
.

Thực trạng, giải pháp nhằm tăng số lượng nữ giới trong lĩnh vực chính trị

Thời gian qua, công tác cán bộ nữ của tỉnh có nhiều tiến bộ rõ nét, ngày càng được nâng lên về số lượng lẫn chất lượng. Cơ cấu cán bộ nữ ngày càng nhiều hơn trong tổ chức Đảng, cơ quan dân cử, Nhà nước và các đoàn thể chính trị. Tuy nhiên, số lượng cán bộ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở còn rất thấp so với cán bộ là nam giới.

Làm thế nào để tiếp tục tăng số lượng nữ giới trong cơ quan dân cử và được đề bạt vào nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước?

TỶ LỆ CHƯA TƯƠNG XỨNG

Hiện toàn tỉnh có hơn 25.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 50,25% nữ. Tỷ lệ nữ chiếm 25,53% trong cơ quan Đảng, 41,33% trong cơ quan đoàn thể, 27,15% trong cơ quan hành chính Nhà nước và 53,07% trong các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp ủy tỉnh có 7 nữ trong tổng số 50 ủy viên (chiếm 14%, tăng 8,12% so với nhiệm kỳ 2010 -2015); cấp ủy huyện có 89 nữ/552 ủy viên (chiếm 16,21%, tăng 4,56% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015); cấp ủy cơ sở có 934 nữ/4.689 ủy viên (chiếm 19,9%, tăng 2,82% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015).


Đại biểu nữ tham gia HĐND các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 chưa nhiều; tỷ lệ nữ tham gia UBND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 quá ít (hiện cấp tỉnh không có, cấp huyện chỉ chiếm tỷ lệ 2,5% và cấp xã chỉ 7,54%). Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp còn khiêm tốn: Ở cấp tỉnh chiếm 16,13%, cấp huyện chiếm 12,9% và cấp cơ sở chiếm 26,82%.

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nữ; thực hiện chưa đồng bộ và quyết liệt; thiếu quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng, giúp đỡ để phụ nữ phấn đấu vươn lên; thiếu tin tưởng khi giao việc cho phụ nữ.

Việc quy hoạch cán bộ nữ ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, thiếu tính khả thi; chưa gắn với các tiêu chuẩn cụ thể, lĩnh vực công tác, ngành nghề, độ tuổi; chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giao việc để tạo cơ hội cho phụ nữ phấn đấu, trưởng thành. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “quy hoạch treo” nên chưa tạo động lực khích lệ phụ nữ hăng hái phấn đấu…

Bên cạnh đó, một số cấp ủy ở cơ sở chưa quan tâm đến công tác kết nạp đảng viên nữ; thiếu sự bồi dưỡng, giáo dục, định hướng phấn đấu cho nữ đoàn viên, hội viên trong các tổ chức Đoàn, hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo…, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ở các cấp, các ngành trong thời gian qua. Mặt khác, chế độ, chính sách dành cho cán bộ nữ tuy được cải thiện nhưng chưa thật sự động viên, khuyến khích cán bộ nữ trước yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, những định kiến hẹp hòi vẫn còn tồn tại trong xã hội và gia đình; các yếu tố truyền thống, quan niệm như: Nam giới thì độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và ra quyết định tốt hơn; trong khi gắn nữ với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và khả năng quản lý sẽ kém hơn nam giới; hay những định kiến về giới không chỉ từ xã hội, gia đình mà xuất phát từ chính bản thân của phụ nữ như:

Vẫn còn tư tưởng an phận, chưa vượt qua được cản trở về gia đình, thiếu ý chí vươn lên trong học tập, công tác và ngại làm công tác lãnh đạo, quản lý vì sợ ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình…, dẫn đến phụ nữ ít nằm trong quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý.

KIẾN NGHỊ 6 GIẢI PHÁP

Một là, mỗi cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần đề ra các giải pháp thật cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong tổng thể quy hoạch cán bộ đơn vị, ngành và địa phương mình; bảo đảm tỷ lệ nữ vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương.

Trong quy hoạch cần bảo đảm thể hiện rõ tính liên tục, kế thừa, phát triển và trẻ hóa đội ngũ cán bộ nữ. Quan tâm rà soát quy hoạch hàng năm, kịp thời bổ sung cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, đạo đức vào nguồn quy hoạch; nếu cơ quan, đơn vị chưa có nguồn thì cần mở rộng sang các cơ quan, đơn vị khác, không khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch cán bộ.

Hai là, cấp ủy cấp trên kiên quyết không phê duyệt quy hoạch cán bộ cho cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới nếu không bảo đảm tỷ lệ nữ. Ngoài ra, trong công tác quy hoạch cán bộ phải thực sự gắn kết với các khâu khác như: Đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia công tác, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, cống hiến và thể hiện hết khả năng, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của phụ nữ và cần mạnh dạn luân chuyển, tin tưởng đề bạt cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp.

Ba là, trong công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy cần chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên là nữ, quan tâm tuyển dụng phụ nữ vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đoàn thể chính trị. Chú trọng việc bố trí, phân công nhiệm vụ để đảng viên nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Bốn là, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp cần chủ động, tích cực, thường xuyên hơn trong công tác tham mưu, giới thiệu cho cấp ủy, các cơ quan Nhà nước những phụ nữ có đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, chính trị, phẩm chất đạo đức vào quy hoạch vị trí lãnh đạo, quản lý; đồng thời cần tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự nữ đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND, UBND các cấp.

Ngoài ra, cần tuyên truyền trong nữ giới phải luôn tự tin, bản lĩnh, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn; không tự ti, thiếu tự tin và xem thường khả năng của mình. Mặt khác, phụ nữ cần bỏ qua những tính nhỏ nhen, ích kỷ, hay ganh tỵ lẫn nhau…

Năm là, các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ; hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ, làm rõ những mặt yếu kém, bất cập, hạn chế và có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia các khâu về công tác cán bộ và thực hiện tốt khâu giám sát, phản biện xã hội về các chính sách liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ ở các cấp; biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ và phê bình các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt.

Sáu là, Trung ương cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ cho phụ nữ và cán bộ nữ, đặc biệt đối với cán bộ nữ có con nhỏ đang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, hoặc cán bộ nữ đang công tác vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

PHƯỢNG LOAN

.
.
.