Bế mạc Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII: Thông qua nhiều nghị quyết
Kết thúc chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, sáng 12-4, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.
* Phối hợp chặt chẽ chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nhìn lại cả nhiệm kỳ có thể khẳng định Quốc hội khóa XIII đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Một nội dung trọng tâm của kỳ họp là công tác tổng kết nhiệm kỳ. Quốc hội đã dành thời gian xem xét các Báo cáo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong bối cảnh tình hình trong nước, ngoài nước có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, với sự lãnh đạo của Đảng, sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, bộ máy nhà nước đã kế thừa, phát huy thành quả của các khóa trước, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường mọi mặt hoạt động trên các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng; Chủ tịch Quốc hội đã để lại hình ảnh và tình cảm tốt đẹp trong lòng cử tri và đồng bào cả nước.
Chủ tịch nước đã thể hiện vai trò là người đứng đầu Nhà nước trong đối nội, đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cao trong điều hành, quản lý đất nước, quản lý xã hội; chỉ đạo tập trung, quyết liệt, năng động, sáng tạo nhằm tạo ra chuyển biến tích cực trong điều kiện, hoàn cảnh nhiều khó khăn, bất lợi.
Các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến theo hướng bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kiểm toán nhà nước đang trở thành một thiết chế quan trọng, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, hỗ trợ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Quốc hội trân trọng ghi nhận những cống hiến, đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị lãnh đạo tiền nhiệm đối với công cuộc phát triển đất nước và hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: tại kỳ họp này, để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật.
Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc kỳ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, cam kết trước Quốc hội và Nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội dành niềm tin, sự ủng hộ đối với các vị mới được bầu, phê chuẩn, đồng thời yêu cầu các vị tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIII và chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, các ngành, các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được thông qua; phối hợp chặt chẽ, triển khai tích cực việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
* Thông qua hai Nghị quyết
Trước đó, với 462 đại biểu tán thành (chiếm 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Theo Nghị quyết này, mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các chỉ yếu chủ yếu được đặt ra cho giai đoạn này là tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Quốc hội cũng đặt ra các chỉ tiêu về xã hội cho giai đoạn 2016 – 2020 là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; đến năm 2020 có 9 - 10 bác sỹ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1% - 1,5%/năm.
Đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 85% chất thải nguy hại được xử lý; 95% - 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Đã có 465 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, chiếm 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cơ bản tán thành với những đánh giá về kết quả đã đạt được cũng như các hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được nêu trong từng Báo cáo.
Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.
Các nội dung cần chú trọng thực hiện tốt là tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội để Quốc hội phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các Ủy viên và nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên bế mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ hành động, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; nỗ lực phấn đấu, có giải pháp hiệu quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Cơ cấu lại, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và tài sản công; có các biện pháp thích ứng để tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giải quyết tốt vấn đề nợ công, nợ xấu, nợ chính phủ. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội, xóa đói, giảm nghèo…
Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; khẩn trương triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vi phạm pháp luật, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ.
Kiểm toán nhà nước tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; thực hiện nghiêm Luật kiểm toán nhà nước.
Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/be-mac-ky-hop-11-quoc-hoi-khoa-xiii-thong-qua-nhieu-nghi-quyet/380798.vnp)