Chủ Nhật, 24/04/2016, 06:26 (GMT+7)
.

Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Sáng 23-4, lễ  kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2016) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.

Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh...

Tại lễ  kỷ niệm, đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập.

Sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, được thừa hưởng các giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, ngay từ nhỏ, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện tư chất thông minh, yêu nước, đầy nhiệt huyết.

Giữa lúc cao trào cách mạng của cả nước đang diễn ra sôi nổi, ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, kết án 2 tháng tù và 5 năm quản thúc tại quê nhà.

Ngày 30-3-1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần hai và đưa vào giam ở Khám lớn Sài Gòn. Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn nhưng phải khuất phục trước chí khí kiên cường, bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cộng sản.

Ngày 25-3-1941, chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình đưa ra xét xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Hà Huy Tập. Trước tòa án thực dân, đồng chí Hà Huy Tập khảng khái nói: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.

Ngày 28-8-1941, đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc TPHCM).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta nhiều bài học quý báu. Đó là: Tinh thần không ngừng học tập vươn lên trong nghiên cứu lý luận của Đảng, gắn lý luận với thực tiễn, vận dụng lý luận giải quyết linh hoạt, sáng tạo các vấn đề thực tiễn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ do Đảng và Nhân dân giao phó, góp phần nâng cao tầm trí tuệ, văn hóa lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực công tác, tư duy lý luận sắc bén để bảo vệ hệ tư tưởng, quan điểm của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Bài học về quan tâm công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, về bản lĩnh chính trị của Đảng trước các tình huống khó khăn, thử thách và vai trò, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ lãnh đạo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng. Bài học về tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, thật sự vì nước, vì dân.

Noi gương đồng chí Hà Huy Tập và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã vượt qua gian khổ, hy sinh, đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thống nhất nước nhà năm 1975.

Đồng chí Lê Đình Sơn nhấn mạnh tự hào là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh không ngừng kế tục và phát huy truyền thống yêu nước để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, sớm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc số ng; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...

Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.