Nhân dân Mỹ Tho mít tinh chào mừng Ngày 1-5 năm 1930 và 1931
Cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho vừa được thành lập đã triệu tập hội nghị mở rộng tại Thạnh Phú, quận Châu Thành. Hội nghị làm việc trong 2 ngày. Sau khi phân tích một cách cụ thể tình hình ở địa phương, hội nghị nhất trí phát động quần chúng khắp nơi trong tỉnh đấu tranh chống thuế, chống bắt đi làm xâu, chống đi canh tuần ban đêm… nhân ngày quốc tế lao động 1-5, nhằm biểu dương lực lượng cách mạng, chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sau hội nghị này, các chi bộ tích cực chuẩn bị cho cuộc đấu tranh như chuẩn bị băng cờ, viết truyền đơn, vẽ áp - phích, vận động kêu gọi nhân dân đoàn kết chống đế quốc, địa chủ, quan làng phản động. Riêng ở Gò Công vì chưa có cơ sở đảng, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho với danh nghĩa là Đặc ủy Hậu Giang (*) đã phân công cán bộ xuống rải truyền đơn và lãnh đạo đấu tranh. Ở một số địa phương trong tỉnh đã gói bánh tét để cung cấp cho các đoàn biểu tình. Việc gói bánh tét bị bại lộ, bọn lính làng vây bắt cán bộ và lùng sục khắp nơi.
Ngày 1-5-1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cuộc bãi thị của 7 chợ thuộc quận Châu Thành, gồm: Chợ Giữa (Vĩnh Kim), Chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), Chợ Bưng (xã Tam Hiệp), Chợ Rau Răm ( xã Kim Sơn), Chợ Bình Đức ( xã Bình Đức), Chợ Xoài Hột, ( xã Thạnh Phú) đã đồng loạt nổ ra, nhằm mục đích chống thuế chợ quá nặng. Cuộc bãi thị đã làm cho bọn thầu các chợ phải lo sợ và chúng buộc phải giảm tiền thuế chợ. Cuộc bãi thị giành thắng lợi.
Việc chuẩn bị mít - tinh đồng loạt của 12 xã thuộc quận Châu Thành do bị lộ, nên được hoãn lại. Tuy nhiên quần chúng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của các chi bộ đã tham gia đông đảo các cuộc mít tinh như ở Long Hưng, Thanh Phú, Long Định, Tam Hiệp, Nhị Bình…Cũng trong ngày 1-5-1930, nhân dân các xã Nhị Mỹ, Tân Hội, Tân Bình, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, thuộc quận Cai Lậy cũng sôi nổi tham gia các cuộc mít-tinh, biểu tình do các chi bộ đảng tổ chức lãnh đạo.
Trong các cuộc mít tinh, cũng như trong lúc tuần hành thị uy, quần chúng hô vang các khầu hiệu:
- Hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!
- Hoan nghênh Ngày Quốc tế lao động 1-5 !
- Đả đảo đế quốc Pháp!
- Đả đảo bọn cường hào quan làng phản động!
- Bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác!
-Thực hiện người cày có ruộng !
- Công nhân làm ngày 8 giờ theo luật bảo hiểm!
- Ủng hộ liên bang xô - viết!
- Liên bang xô - viết muôn năm !
Trong cuộc đấu tranh này quần chúng đã treo tại trụ sở tề xã Mỹ Hạnh Trung một lá cờ đỏ búa liềm và tấm bảng ghi khẩu hiệu: Hoan nghênh Đảng Công sản Việt Nam ra đời!
Song song với các cuộc mít - tinh, biểu tình, bãi thị, việc rãi truyền đơn, treo khẩu hiệu, cờ búa liềm, đánh trống mõ, đốt pháo tre cũng đồng loạt diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh.
Tại Gò Công, ngày 1-5-1930 cờ đỏ được treo ở trung tâm thị xã Gò Công, ở chợ Tăng Hòa, ở nhà mát Tân Thành và truyền đơn rãi ở các lộ lớn vào thị xã. Ở Tân Hòa, Tân Thành báo tin Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Tho, Gò Công ngày 1-5-1930 đã mở ra cao trào cách mạng trong tỉnh và góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc trong những năm 1930 -1931. Với quy mô rộng khắp, với kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh này uy tín của Đảng được nâng cao và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong tỉnh.
Phát huy khí thế của cuộc đấu tranh ngày 1/5, tháng 6-1930 khoảng hơn 200 quần chúng đã tham gia cuộc biểu tình từ xã Phước Thạnh kéo ra chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú) và biến thành cuộc mít - tinh diễn thuyết, sau đó kéo lên cầu Thầy Tùng rồi giải tán.
Ngày 1-5-1931, Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Phạm Hùng đã huy động trên 3.000 quần chúng ở các xã lân cận, vào lúc 3 giờ chiều kéo về xã Long Định dự cuộc mít - tinh và bắt tên Hương quản Trâu, một tên khét tiếng phản động. Quần chúng đã lên án trừng trị tên này tại chỗ. Sau cuộc mít - tinh này, khí thế quần chúng lên rất cao và phản ứng của địch cũng rất quyết liệt.
Cùng ngày, hàng ngàn quần chúng của các xã thuộc 3 quận Châu Thành, Cai Lậy, An Hóa đã tổ chức nhiều cuộc mít - tinh, tuần hành thị uy. Có nơi quần chúng xông vào đập phá trụ sở tề ngụy, treo cờ cách mạng rồi giải tán một cách trật tự.
Sau cuộc đấu tranh ngày 1-5-1931, thực dân Pháp cho hàng trăm lính đi khắp xóm làng khủng bố, bắt bớ tra tấn dã man nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực đã bị bắt. Mặc dù địch khủng bố, nhưng không dập tắt được tinh thần cách mạng của đảng viên và quần chúng, họ càng nhận rõ kẻ thù và nung nấu chí căm thù chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh mới.
(*) Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho còn có chức năng là Đặc ủy Hậu Giang chịu trách nhiệm chỉ đạo các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau, Rạch Giá…
TẤN ĐỜI
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Tiền Giang tập 1, trang 69,70,71,75, 76.
- Lịch sử Đảng bộ Gò Công (1930 -1975) trang 25-26.