Thứ Tư, 20/04/2016, 09:30 (GMT+7)
.
Tùy bút:

Đại thắng mùa xuân 1975 và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc

 “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Xin trích câu trên trong bản Di chúc của Bác Hồ để mở đầu bài này.

Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc bắt nguồn từ sự hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đến thời đại Hồ Chí Minh càng phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm, gắn liền cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trước đó cũng được đồng minh Mỹ tận tình ủng hộ. Đại thắng này đồng thời cũng chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 115 năm  của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.

Ảnh tư liệu. Ảnh: chinhphu.vn
Ảnh tư liệu. Ảnh: chinhphu.vn

Kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, người viết xin nhấn mạnh một trong những nguyên nhân tạo nên thắng lợi, như một quy luật trường tồn của dân tộc, đang có ý nghĩa rất thời sự trong tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lịch sử dân tộc ta được khắc họa trong truyền thuyết từ giống nòi cao quý con Rồng cháu Tiên với những đồng bào sinh ra cùng một bọc, phân nửa theo mẹ Âu Cơ xuống biển, phân nửa theo cha Lạc Long Quân lên rừng, cùng giữ gìn giang sơn bờ cõi.

Trong cuộc hành trình để tồn tại và phát triển của dân tộc, thường xuyên nổi lên hai loại tai họa lớn đe dọa, gây tang thương, chết chóc: thiên tai và địch họa. Nhưng cũng chính hai loại tai họa đó đã gắn kết, trui rèn dân tộc này có tinh thần đoàn kết keo sơn, ý chí bền bỉ, kiên cường, phẩm chất anh hùng thượng võ.

Từ trong xa xưa với những truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, về sau với 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn giữ lấy hồn dân tộc, các triều đại phong kiến minh quân Việt Nam sớm thấy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đã lãnh đạo toàn dân quật khởi giành nền độc lập dân tộc với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…lừng lẫy.

Hết phong kiến phương Bắc lại tư bản thực dân phương Tây, gần 80 năm bị giặc Pháp đô hộ. Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã nắm bắt thời cơ tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám được toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ, chỉ trong vòng 15 ngày khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.

Nhưng giặc ngoài thù trong lợi dụng chính quyền cách mạng còn non trẻ, nạn đói gây chết hàng triệu người, nạn mù chữ cùng với các tệ nạn xã hội khác hoành hành khiến cái thế của chính quyền như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng trên cái nền đại đoàn kết toàn dân dân tộc, Bác Hồ và Đảng ta bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết và sáng tạo đã chuyển thành cái thế “sợi tóc treo nổi ngàn cân”, rồi toàn quốc trường kỳ kháng chiến,“chín năm làm một Điện Biên; Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Dù có tên đế quốc siêu cường đồng minh chưa từng nếm mùi thất bại tiếp tay, thực dân Pháp đã phải cuốn cờ về nước. Kẻ đến sau ỷ thế siêu mạnh siêu giàu, nuôi dưỡng, trang bị cho bọn tay sai tận răng, tiến hành đủ loại chiến thuật, chiến lược, thử nghiệm đủ loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, hết vai trò cố vấn lại ngang nhiên xua quân trực tiếp nhảy vào, rồi lại phải “thay màu da xác chết” tìm cách ra khỏi đường hầm không lối thoát.

Khi có lối ra lại nham hiểm, độc ác dốc lòng đưa dân tộc này trở lại thời kỳ đồ đá hòng vớt vát chút thể diện cuối cùng. Nhưng dân tộc kiên cường này khi bắt đầu chống xâm lăng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì nay trước kẻ thù hung ác vẫn nêu cao tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng sẽ xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Và lịch sử đã tiếp tục diễn ra với trận Điện Biên Phủ trên không “Mỹ cút”, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nam bắc thống nhất một nhà.    

Không phải ngẫu nhiên mà ở đất nước này có câu ca dao bình dị “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây dụm lại nên hòn núi cao”. Rồi câu chuyện “bó đũa, chiếc đũa”, câu nói cửa miệng “chia rẻ thì chết, đoàn kết thì sống”lan truyền trong dân gian. Đặc biệt là sự tổng kết tuyệt vời của vị lãnh tụ kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Cái sức mạnh vô địch đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ có thể có được với chính nghĩa, với đại cuộc, với sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với chính nghĩa, Đảng ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Với chính nghĩa, chúng ta được nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới đoàn kết ủng hộ, kể cả nhân dân các Chính phủ thù địch. Kẻ thù cướp nước ta là phi nghĩa thì bị phân hóa, chia rẽ, bị nhân dân phản chiến, đốt thẻ quân dịch, tự thiêu … chống lại.

Với chính nghĩa, chẳng những chúng ta có khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà một bộ phận dân tộc do những điều kiện đặc thù đứng về phía đối phương, đa số cũng thức thời quay về nẻo chính khi có thời cơ. Bác Hồ đã viết:”Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người cũng có người thế này, thế khác.

Nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Đại thắng Mùa Xuân 1975 với đoàn quân chiến thắng thần tốc từ vạch chia cắt do Mỹ ngụy phân chia, tiến đến sào huyệt cuối cùng, đầu não của   các chế độ thực dân và bù nhìn tay sai. Dù giặc Mỹ có bừa nát và sa mạc hóa nhiều vùng rộng lớn của đất nước này bằng bom đạn, chất độc hóa học, nhưng khi đoàn quân giải phóng tiến công thì phần lãnh thổ dân cư đông đúc bi tạm chiếm vẫn cơ bản được bảo toàn, với nhân dân cờ hoa hưởng ứng bộ đội giải phóng và binh sĩ đối phương buông súng đầu hàng, tháo chạy.

Điển hình độc đáo kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài chưa từng có trong lịch sử là sự đầu hàng của Tổng thống và nội các của chế độ cuối cùng phía đối phương. Vị tướng quân đại diện cho đoàn quân chiến thắng -  Đại tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn đã nói về chiến thắng này: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.

Hai cuộc kháng chiến dài lâu nối tiếp nhau với ông hoàng Bảo Đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam cỡi bỏ hoàng bào, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng năm 1945 để “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và Tổng thống cuối cùng của chế độ bù nhìn tay sai đế quốc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, là một nét độc đáo của cách mạng Việt Nam.

Mặc cho sự hô hào tử thủ và sự hù dọa cộng sản “tắm máu” của một thiểu số tên chỉ huy ác ôn, tuyệt đại đa số binh sĩ và nhân viên của chế độ đó buông súng, giao nộp hầu như toàn bộ tài sản của chế độ cũ cho chính quyền cách mạng. Công nhân vận hành các cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống thành phố lớn nhất nước với 3,5 triệu người, điện, nước, vệ sinh công cộng… vẫn đảm bảo thông suốt. Hằng triệu người dân vừa được giải phóng xuống đường vẫy cờ hoa đón mừng quân giải phóng, tuần hành hô vang khẩu hiệu, nhảy múa hát ca…

Trước đó, tháng 1-1974, hải quân Sài Gòn đã quyết chiến với hải quân Trung Quốc bảo vệ phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, nhưng đã thất thủ với 74 người chết và hàng chục người bị thương, bị bắt.

Sau ngày đại thắng, niềm vui hồ hỡi bên cạnh bộn bề những công việc về đời sống, trật tự an ninh. Bao vây cấm vận ngặt nghèo cùng với chiến tranh xâm lược biên giới lại tiếp tục làm chảy cả máu đỏ, máu vàng Việt Nam. Những sai lầm khuyết điểm thời bao cấp quan liêu làm cho khó khăn tăng thêm…

Lại nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc mà Đảng và dân ta đã nhìn rõ sai lầm khuyết điểm, kiên quyết đổi mới, đưa đất nước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng và cả những chấn động hiểm nghèo tiếp theo của trận “động đất chính trị” Đông Âu, Liên Xô.  

Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ từ công cuộc đổi mới, mọi tiềm năng nhân, tài, vật lực của dân tộc được khơi dậy. Kiều bào ở nước ngoài cũng là một cộng đồng không tách rời của dân tộc, có mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.

“Lá rụng về cội”, những người con xa xứ vì bất cứ lý do gì rồi cũng nhớ về cội nguồn mà chung sức chung lòng vì một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đại diện cho những con người có tấm lòng như thế có lẽ rất xứng tầm với việc ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống chế độ Sài Gòn về thăm quê hương lần đầu tiên vào ngày 14-4-2004.

Đất nước đang bước vào năm thứ 41 Đại thắng Mùa Xuân 1975, Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc thành công, đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Tăng cường xây dựng Đảng... Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…   

Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

TRẦN  QUÂN

.
.
.