Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:38 (GMT+7)
.

Ngành Tòa án đẩy mạnh các giải pháp đột phá trong công tác xét xử

Thực hiện công tác cải cách Tư pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp, thời gian qua ngành Tòa án tỉnh nhà đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, đột phá trong công tác xét xử và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ  trao cờ Thi đua cho 2 tập thể.
Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao Cờ Thi đua cho 2 tập thể.

Ông Trần Ngọc Quang, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Giải pháp đột phá đầu tiên của ngành là đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa. Tranh tụng theo hướng thực chất, không hạn chế việc tranh tụng về những vấn đề, nội dung có liên quan đến việc giải quyết vụ án, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.

Đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, cũng chính là đổi mới thủ tục hành chính Tư pháp trong hoạt động của tòa án các cấp nhằm công khai minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án.

Đổi mới ở đây có nghĩa là, trong công tác xét xử, thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định, tòa án luôn tạo mọi điều kiện mà pháp luật cho phép để các bên có thể phát huy hết tính chủ động và tích cực khi tham gia giải quyết các vụ án nhằm cung cấp đưa ra chứng cứ của các chủ thể tại phiên tòa để Hội đồng xét xử xem xét đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

Bên cạnh đó, ở một mức độ cần thiết, tòa án tham gia vào quá trình tranh tụng như trọng tài để góp phần làm rõ các chứng cứ và tình tiết của vụ án, làm cho các bản án của tòa đảm bảo đúng người, đúng tội, công bằng, đúng luật.

Giải pháp đột phá thứ hai là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức - Chánh án Trần Văn  Quang nhấn mạnh, bởi đây là một giải pháp mang tính chiến lược trong quá trình thực hiện cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Lãnh đạo ngành Tòa án đã và đang xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ TAND từ tỉnh đến huyện trong sạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thu tuyển, thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên trên cơ sở quy hoạch, đánh giá cán bộ theo đúng quy định.

Căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo ngành đánh giá, xem xét năng lực công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, kết hợp trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị của từng cán bộ, công chức trong ngành để cân nhắc, phân loại đưa đi đào tạo trình độ chính trị, nghiệp vụ xét xử, quy hoạch lâu dài cho các chức danh quản lý và bổ sung cho lực lượng thẩm phám TAND hai cấp.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, thẩm phán cấp tỉnh còn thiếu 11 người, thẩm phán cấp huyện thiếu 17 người, nhưng nguồn đào tạo thẩm phán để tiếp tục bổ nhiệm mới chỉ có 24 người.

Giải pháp đột phá thứ ba là đổi mới thủ tục hành chính Tư pháp trong hoạt động của tòa án các cấp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án và tăng cường công nghệ thông tin trong hoạt động của các tòa án.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Sang, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, ngành Tòa án đã tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính từ tháng 10-2004 cho đến nay, sau khi rút kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, thụ lý, xử lý, phân công giải quyết các loại vụ việc, phát hành án văn, tài liệu và tổng hợp kết quả, chất lượng xét xử trong những năm trước đây đã phát sinh nhiều bất cập, chưa mang tính khoa học, tiện lợi, còn gây nhiều phiền hà cho nhân dân; công tác quản lý, kiểm tra điều hành gặp nhiều khó khăn nhất định; biện pháp giải quyết còn thiếu đồng bộ, khó kiểm soát, kiểm tra, tổng hợp.

Từ đó, ngành Tòa án xác định một số công việc được xem là hành chính Tư pháp để tiến hành cải cách là: Tiếp nhận và xử lý đơn, tiếp công dân tại tòa án, Chánh án phân công công việc và nhiệm vụ cho các thẩm phán, công tác lưu trữ, cấp bản án, quy định rõ vai trò và nhiệm vụ các chức danh tại tòa án; đào tạo, sử dụng, áp dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức nhằm mục tiêu xây dựng một tòa án công khai, minh bạch, vô tư, công bằng, hiệu quả, dễ tiếp cận cho nhân dân, được nhân dân tôn trọng và tin tưởng.

Song song với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá, năm 2015, ngành Tòa án đã mở 3 đợt thi đua lớn đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, nổi bật là tỷ lệ giải quyết án ở mức cao.

Trong năm 2015, tòa án hai cấp thụ lý 11.498 vụ việc, đã giải quyết được 11.295 vụ, đạt tỷ lệ 98,23%, trong đó: TAND tỉnh thụ lý theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm 1.113 vụ, đã giải quyết 1.100 vụ, đạt tỷ lệ 98,83%. TAND cấp huyện thụ lý 10.385 vụ, đã giải quyết được 10.195 vụ, đạt tỷ lệ 98,17%. Chất lượng xét xử đảm bảo đúng luật, tỷ lệ án bị hủy chiếm 0,69%, án bị sửa chiếm 0,79%.

Với những thành đạt được, ngành Tòa án tỉnh đã được TAND Tối cao đã tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho 2 đơn vị, tặng 23 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án và 6 Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

ANH ĐẬU

.
.
.