Đưa tin, viết bài về những cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm
Chúng ta đều biết, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, như Bác Hồ đã nói. Có đường lối, chủ trương, chính sách đúng rồi thì cán bộ là người quyết định biến thành hiện thực.
Nhưng vấn đề cán bộ luôn đặt ra nhiều thách thức trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Có thể nói, từ khi Bác Hồ tìm ra con đường cứu nước thì việc ưu tiên hàng đầu của Bác là tập hợp những người đồng tâm, đồng chí cùng gánh vác sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Khi Bác thành lập Đảng thì đội ngũ tiên phong ấy cứ nhân mãi thêm ra…
Đội ngũ cán bộ vừa phát triển vừa được thử thách và sàng lọc qua các cao trào và thoái trào của cách mạng, từ khi chưa giành được chính quyền cho đến khi cầm quyền. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức, lực lượng do Đảng lãnh đạo phát triển thuận lợi, thường tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng không tương ứng.
Mà nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ này như Lênin nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Người còn nói: “Một trong những nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền là xa rời quần chúng”. Đảng ta từ năm 1994 tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã chỉ rõ 4 nguy cơ: Tụt hậu kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng, diễn biến hòa bình (1).
Đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng còn ghi: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại…”. Về vấn đề cán bộ, tại Đại hội VIII của Đảng (1996), Báo cáo Chính trị sau khi nêu các thành tựu quan trọng, đã nói về khuyết điểm: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống. Một số thoái hóa về chính trị, tuy rất ít nhưng hoạt động của họ gây hậu quả rất xấu”(2).
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay còn nêu: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” (3).
Xây dựng đội ngũ cán bộ vốn là vấn đề cơ bản, chiến lược lâu dài, trong tình hình hiện nay, vấn đề lại vừa rất khẩn trương, cấp bách. Những người làm báo - biên tập viên, phóng viên - có vai trò quan trọng trong công tác này.
Trong khi vẫn thường xuyên tuyên truyền, phản ánh gương người tốt việc tốt, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, nay cần chú trọng hơn đến đối tượng là những cán bộ chủ chốt, những người đứng đầu. Đặc biệt là những người nhận trọng trách ở những địa bàn, lĩnh vực có nhiều khó khăn, thách thức mà tỏ rõ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, được nhân dân tín nhiệm, ca ngợi.
Theo dõi hoạt động của báo chí ở Trung ương và một số thành phố lớn sau Đại hội XII của Đảng và trong thời gian tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, ta thấy các đồng nghiệp ở các các cơ quan báo chí Trung ương và một số địa phương bạn đã làm khá hấp dẫn việc này. Kể cả những câu nói ấn tượng của họ thể hiện quyết tâm đổi mới, không khoan nhượng với sự trì trệ, vô trách nhiệm cũng được báo chí chắt lọc,“danh đề”. Tất nhiên giữa tuyên bố và hành động, giữa nói và làm thường có khoảng cách và còn chờ thực tế kiểm nghiệm. Nhưng đây hầu hết là những người vốn nổi tiếng nói đi đôi với làm.
TRẦN QUÂN
(1) Nguyên văn đầy đủ về 4 nguy cơ đăng ở tập Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), tr.25.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), tr.137.
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, tr.22.