Khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho-Gò Công trong Cách mạng Tháng Tám
Do mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ngày càng gay gắt trong việc giành quyền lợi ở Đông Dương buộc phát-xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp độc chiếm Đông Dương. Đêm 9-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Chỉ một ngày, thực dân Pháp đã đầu hàng phát-xít Nhật.
Ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công, phát-xít Nhật vẫn duy trì đội ngũ tay sai cũ, đưa bà Song Thu lên làm “Ủy trưởng” để giúp chúng cai trị 4 tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Bến Tre và đưa chủ quận Châu Thành Nguyễn Văn Quý lên làm tỉnh trưởng Mỹ Tho. Bọn phản động, bọn tờrốtkít... lên tiếng chống Pháp, cổ vũ thuyết “Đại Đông Á”.
Các chức sắc phản động lợi dụng tôn giáo lừa bịp quần chúng và xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang tiến hành canh gác, bắt lính cho phát-xít Nhật... Chúng ra sức kích động quần chúng nhằm chống cộng sản, chống Việt Minh; cổ vũ thuyết “Đại Đông Á”, kích động tinh thần yêu nước giả tạo, đòi rước Cường Để về nước làm vua, duy trì chế độ quân chủ chuyên chế.
Ngày 18-3-1945, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử) làm Bí thư. Ngày 25-3-1945, tại Xoài Hột (xã Thạnh Phú, quận Châu Thành), đồng chí Trần Văn Vi, Nguyễn Thị Thập... tổ chức Hội nghị đại biểu gồm các đồng chí trong Liên Tỉnh ủy Hậu Giang cũ, quyết định thành lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời (Xứ ủy Giải Phóng), xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, phát triển Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng du kích, mở lớp huấn luyện về chương trình, Điều lệ Mặt trận Việt Minh và du kích chiến tranh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vạch trần bộ mặt của phát-xít Nhật và bọn tay sai.
Như vậy, cùng với Tỉnh ủy Mỹ Tho (Tiền Phong) thành lập từ năm 1943, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư, ở tỉnh Mỹ Tho có 2 Tỉnh ủy lâm thời, song song lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Ngày 15-6-1945, ở Mỹ Tho, Gò Công xuất hiện một tổ chức quần chúng hoạt động công khai, đó là tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Phong trào phát triển rầm rộ, đều khắp từ thành thị đến nông thôn, nhất là ở thị xã Mỹ Tho, các thị trấn, vùng nông thôn ở Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè.
Phong trào không chỉ thu hút công nhân, nông dân, mà còn lôi cuốn đông đảo tầng lớp trí thức, các lực lượng yêu nước, cả tư sản dân tộc và địa chủ nhỏ tham gia. Quần chúng tham gia các phong trào cách mạng đều thể hiện tinh thần yêu nước nhiệt thành và được giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, tập trung ý chí và hành động vào cuộc chống Nhật, cứu nước.
Tối 16 và sáng 17-8, Xứ ủy họp khẩn cấp tại Chợ Đệm. Đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và đồng chí Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công dự họp. Hội nghị xác định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, các địa phương tùy theo tình hình, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Đêm 17-8-1945, đồng chí Dương Khuy triệu tập hội nghị bàn về khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm với phương châm nơi nào lực lượng ta mạnh thì khởi nghĩa trước, kiên quyết giành bằng được chính quyền về tay nhân dân, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, 4 giờ ngày 18-8-1945, học viên Trường Huấn luyện Quân sự tại xã Long An được biên chế thành 3 trung đội tiến vào thị xã Mỹ Tho, phối hợp với lực lượng bên trong đánh chiếm các mục tiêu đã định.
Đến 7 giờ, nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang bên ngoài với lực lượng trong thị xã và cơ sở nội ứng, lực lượng cách mạng nhanh chóng làm chủ các mục tiêu như: Bót mật thám, bót cảnh sát, trại lính mã tà, tòa bố, tòa án, kho bạc...
Đến 9 giờ, lực lượng cách mạng đã làm chủ các công sở bên chợ Cũ. Lực lượng thanh niên vũ trang được bố trí canh gác ngày đêm để giữ gìn an ninh trật tự. Trong thời gian này, Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập ủy ban nhân dân cách mạng và chuẩn bị tổ chức mít-tinh chào mừng chính quyền về tay nhân dân. Tối 24-8, các đồng chí trong Tỉnh ủy triệu tập cuộc hội nghị tại tòa bố để thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.
Như vậy đến ngày 24-8-1945, chính quyền trong toàn tỉnh Mỹ Tho đã về tay nhân dân. Sáng 25-8, tại sân vận động Mỹ Tho, quần chúng từ các quận kéo về thị xã Mỹ Tho dự mít-tinh chào mừng cách mạng thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt đồng bào. Đến 12 giờ cùng ngày, mít-tinh chuyển thành cuộc biểu dương lực lượng trên các đường phố ở thị xã Mỹ Tho.
Ở Gò Công, ngày 18-8, đồng chí Nguyễn Văn Côn triệu tập Tỉnh ủy lâm thời họp và thành lập Tỉnh ủy chính thức, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Ủy ban giải phóng dân tộc lâm thời tỉnh Gò Công được thành lập, do ông Nguyễn Văn Côn làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Văn Côn thông báo Nghị quyết Xứ ủy và cùng các đồng chí bàn kế hoạch khởi nghĩa.
Ngày 19-8, tỉnh trưởng Gò Công Trần Hưng Ký yêu cầu ông Lê Văn Philip, thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong giữ gìn an ninh. Ông Lê Văn Philip yêu cầu tỉnh trưởng mời ông Trần Hữu Liêm, nguyên sĩ quan thủy quân, là đảng viên cộng sản, chịu trách nhiệm chỉ huy lính Gard ở và đi kiểm tra, chỉ huy bố phòng trong toàn tỉnh Gò Công. Hai cán bộ của Đảng đã trở thành người chỉ huy lực lượng binh lính và giữ gìn an ninh trong toàn tỉnh.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã đập tan sự thống trị của thực dân Pháp trong 83 năm. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Mỹ Tho, Gò Công cùng với nhân dân cả nước bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
LÊ VĂN TÝ