Thứ Tư, 24/08/2016, 10:33 (GMT+7)
.

Lịch sử vốn công bằng

Mấy ngày vừa qua, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện một số bài viết có tính chất xuyên tạc về ý nghĩa lịch sử và bịa đặt một số chi tiết về cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam. Đây là luận điệu đã cũ mèm của một số người vốn có hiềm khích với cách mạng và đang ra sức chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “xã hội dân chủ”.

Cứ vào dịp đất nước ta kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 thì họ lại đem vấn đề trên ra để bàn thảo. Điển hình trong số này là ông Nguyễn Đình Cống - vốn là một chuyên gia về bê tông cốt thép.

 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Tư liệu.

 

Đọc bài viết của ông Cống mọi người đều dễ dàng nhận ra rằng, những “cứ liệu” mà ông đưa vào bài viết chẳng qua là sự nhặt nhạnh theo kiểu “nghe hơi nồi chõ” mà không xuất phát từ bất kỳ công trình nghiên cứu nghiêm túc nào.

Tôi đồ rằng bản thân ông Cống cũng có thể chưa bỏ công sức ra để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cho đến đầu đến đũa. Vì vậy, những điều ông viết ra (về lĩnh vực lịch sử) đều thiếu tính chặt chẽ, lô-gích, khác hẳn lúc ông bàn về bê tông cốt thép.

Ông Cống viết rằng "... cuộc Cách mạng Tháng Tám thực chất là cướp chính phủ của ông Trần Trọng Kim..." và "việc giành chính quyền khá dễ dàng vì không phải đánh Pháp, đuổi Nhật gì cả..." là cách viết của người duy ý chí và chủ quan, là cách phổ biến về lịch sử theo kiểu tù mù để lòe bịp người đọc. 

Thực tế lúc bấy giờ ở đất nước ta vẫn còn hàng vạn lính Nhật được vũ trang đầy đủ, chưa kể quân Tưởng, quân Anh, quân Pháp núp bóng quân Đồng minh đang nhăm nhe vào nước ta với danh nghĩa giải giáp quân Nhật. Vì thế là người dân Việt Nam, nhất là những lão thành đã từng sống trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám thì ai cũng hiểu rằng, ở thời điểm đó, một chính phủ kiểu bù nhìn của ông Trần Trọng Kim được quân Nhật dựng lên một cách vội vã từ một số người thân Nhật thì không thể đủ tầm để thu phục lòng dân, không thể đủ lực để đánh đuổi kẻ thù, trấn áp lực lượng phản cách mạng ngõ hầu giành lấy độc lập thực sự.

Do đó chỉ có lực lượng vô địch của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một đảng cách mạng thì mới đủ khả năng làm điều đó. Và như lịch sử đã ghi nhận, nhân dân ta, Đảng ta đã tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, biến đất nước Việt Nam từ một nước thuộc địa thành một đất nước có chủ quyền, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên giữ vị trí chủ nhân của đất nước. Đó mới chính là lịch sử, chẳng lẽ ông Cống và một số người cố tình không hiểu?

(Theo Báo QĐND)

 

.
.
.