Thứ Bảy, 06/08/2016, 05:55 (GMT+7)
.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn

Sáng 5-8, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh như sau:

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn
của đại biểu. Ảnh: Hữu Thành


1. Đại biểu Đỗ Tấn Hùng chất vấn:

Dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Tiền (đoạn từ Km 31+500 đến cách thượng lưu cảng Mỹ Tho 500m), UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 1426/UBND-KTN ngày 8-4-2016 về việc đăng ký khối lượng tận thu sản phẩm trong quá trình thực hiện dự án xã hội hóa này, yêu cầu Công ty Đức Phú Thịnh trước khi nạo vét phải:

Cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương hồ sơ, công khai thông tin đến người dân trong khu vực biết và giám sát. Thả phao giới hạn vị trí khu vực cho phép nạo vét. Đăng ký phương tiện tham gia thực hiện dự án.

Đại biểu Đỗ Tấn Hùng chất vấn. Ảnh: Khánh Trung
 

Vậy xin hỏi UBND tỉnh: Các công việc nêu trên, Công ty Đức Phú Thịnh đã thực hiện chưa? Biện pháp nào để phòng ngừa, ngăn chặn Công ty Đức Phú Thịnh nạo vét ngoài phạm vi cho phép, lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép?

Trả lời của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:  

* Về hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải của Công ty TNHH SXTM DVXD XNK Đức Phú Thịnh:

Hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải được quy định cụ thể tại Thông tư 25/2013/TT-BGTVT ngày 29-8-2013 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải; theo đó, việc cấp phép nạo vét luồng thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Công ty TNHH SXTM DVXD XNK Đức Phú Thịnh (gọi tắt là Công ty Đức Phú Thịnh) đã được các cơ quan trung ương chấp thuận thực hiện Dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Tiền (đoạn từ Km31+500 đến cách thượng lưu cảng Mỹ Tho 500m) theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét, không sử dụng ngân sách nhà nước, cụ thể: Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 7129/BGTVT-KCHT ngày 05/6/2015; Cục Hàng hải Việt Nam tại Công văn số 2490/CHHVN-QLKCHTCB ngày 19/6/2015; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2896/QĐ-BTNMT ngày 11-11-2015.

Căn cứ quy định tại Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi, chính sách pháp luật về khoáng sản, ngày 8-4-2016, UBND tỉnh có Công văn 1426/UBND-KTN chấp thuận cho Công ty đăng ký khối lượng tận thu (Công ty chỉ được phép nạo vét tại 7 khu vực trên tuyến luồng hàng hải, 2 khu vực neo đậu tập kết thiết bị, 1 khu vực neo đậu chuyển tải theo tọa độ vị trí các khu vực được phép nạo vét thể hiện cụ thể trên bản đồ đăng ký khối lượng tận thu sản phẩm nạo vét và theo quy định trước khi thực hiện dự án nạo vét phải thực hiện các nội dung sau:

Cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương hồ sơ, công khai thông tin đến người dân trong khu vực biết và giám sát: Do hiện tại Công ty Đức Phú Thịnh chưa đi vào thi công, nên chưa gửi đầy đủ hồ sơ công khai dự án đến chính quyền địa phương. Thả phao giới hạn vị trí khu vực cho phép nạo vét:

Nội dung này được quy định tại khoản 3, Điều 9, Thông tư 25/2013/TT-BGTVT ngày 29-8-2013 của Bộ Giao thông vận tải: Cảng vụ hàng hải khu vực có trách nhiệm tổ chức phê duyệt Phương án bảo đảm an toàn hàng hải và tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư phù hợp với nội dung dự án đã được phê duyệt và các quy định pháp luật liên quan. Công ty đã gửi phương án đảm bảo an toàn giao thông cho Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho để tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định (Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho đã tổ chức họp, thẩm định vào ngày 3-8-2016).

Đăng ký phương tiện tham gia thực hiện dự án: Ngày 29-6-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2596/BTNMT-TCMT điều chỉnh số lượng thiết bị nạo vét. Theo đó, ngày 25-7-2016, Công ty Đức Phú Thịnh có văn bản số 136/CV-ĐPT đăng ký số lượng phương tiện tham gia thi công Dự án xã hội hoá nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Tiền.

Tuy nhiên, các phương tiện đăng ký của Công ty chưa đảm bảo theo phê duyệt của Bộ tài nguyên và Môi trường, ngày 26-7-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn  2899/STNMT-NKS&B yêu cầu Công ty Đức Phú Thịnh bổ sung công suất nạo vét theo thiết kế của từng phương tiện (m3/ngày) để có cơ sở xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đến nay, Công ty Đức Phú Thịnh chưa có văn bản bổ sung.

Đối chiếu với các quy định thì Công ty Đức Phú Thịnh chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Đức Phú Thịnh thực hiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan trước khi bắt đầu thi công.

Về trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải như sau:

Cảng vụ hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, đánh giá việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc thực hiện các yêu cầu về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các vấn đề khác theo thỏa thuận trong Hợp đồng dự án (theo quy định tại Điều 9, Thông tư 25/2013/TT-BGTVT);

Trách nhiệm của UBND tỉnh thực hiện thủ tục đăng ký khối lượng sản phẩm tận thu của các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của nhà đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải khu vực và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển; phối hợp xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động khai thác cát trái phép theo quy định (theo quy định tại khoản 8, Điều 1, Thông tư 28/2015/TT-BGTVT).

* Về biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn Công ty Đức Phú Thịnh nạo vét ngoài phạm vi cho phép, lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép:

UBND tỉnh đã có Công văn 3206/UBND-KTN ngày 18-7-2016 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Tiền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Xuất nhập khẩu Đức Phú Thịnh; trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý theo quy định.

UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tại Quyết định số 284/QĐ-UBND ngày 4-2-2016 để quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh; kể cả hoạt động nạo vét luồng; thành lập Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh tại Quyết định1105/QĐ-UBND ngày 19-4-2016; phê duyệt phương án tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông thủy vi phạm trong hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tại khu vực âu tàu của Sư đoàn 8 tại Công văn số 2506/UBND-KTN ngày 9-6-2016 .

Ngày 6-7-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tiền Giang và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an Tiền Giang đã ký quy chế phối hợp số 513/QC-CVHHMT-STNMTTG- CTBĐATHĐNB -PCSĐTTG-BCHBĐBPTG để kiểm tra, giám sát nạo vét trong vùng nước cảng biển Tiền Giang để phối hợp kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin, ... nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công nạo vét đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ tài nguyên và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là tại các điểm nóng về hoạt động khai thác cát trái phép, kể cả hoạt động nạo vét luồng trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin về hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép từ quần chúng nhân dân đến các tổ chức đoàn thể và đã thông báo số điện thoại đường dây nóng đến các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, kịp thời kiểm tra, xử lý những ý kiến phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, người dân về các nội dung liên quan đến việc khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, để quản lý chặt chẽ hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải trong thời gian tới, UBND tỉnh đã có Công văn số 3461/UBND-KTN ngày 3-8-2016 đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các chủ đầu tư; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định có liên quan thì đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét dừng thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang và chưa xem xét cấp phép mới đối với các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Tiền trên địa bàn tỉnh.

2. Đại biểu Huỳnh Văn Hải chất vấn:

Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã diễn ra trong thời gian dài, điển hình như việc xả thải của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, Sư đoàn Bộ binh 8 Đồng Tâm. Qua phản ảnh của cử tri, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra và có giải pháp xử lý.

Tuy nhiên, việc khắc phục sai phạm của các doanh nghiệp rất chậm hoặc không khắc phục gì sau kết luận của các cơ quan chuyên môn, gây bức xúc trong nhân dân. Qua giám sát chuyên đề này, UBMTTQ tỉnh  đã đề nghị UBND tỉnh 11 nội dung xử lý tình trạng ô nhiễm nói trên.

Đại biểu Huỳnh Văn Hải chất vấn. Ảnh Thanh An.

Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết hướng ngăn chặn, khắc phục, xử lý đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, để bảo vệ môi trường và kết quả khắc phục tình trạng ô nhiễm qua ý kiến kiến nghị của UBMTTQ tỉnh.

Trả lời của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Căn cứ Báo cáo số 135/BC-ĐGS ngày 6-11-2015 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã có Công văn số 928/UBND-KTN ngày 14-3-2016 chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo 11 kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang;

Cụ thể đối với việc ngăn chặn, khắc phục, xử lý đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trước mắt tập trung thực hiện giám sát, kiểm tra, cũng như đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường: Cụm công nghiệp Song Thuận, Khu quân sự Đồng Tâm, cảng cá, nhà máy chế biến thủy hải sản, thức ăn thủy, hải sản, các khu vực chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện và giải pháp thời gian tới như sau: Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Trung ương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: kịp thời triển khai và lồng ghép chỉ đạo của Trung ương vào hoạt động thường xuyên của ngành thông qua công tác truyền thông, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện, hoạt động thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường...

Kiểm tra, đánh giá toàn diện về hiệu lực, hiệu quả thực trạng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với ngành chuyên môn cấp tỉnh, trước mắt phải sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp Song Thuận, Khu quân sự Đồng Tâm.

UBND tỉnh đã có Công văn 2307/UBND-KTN ngày 30-5-2016 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp để nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đối với điểm các điểm nóng về môi trường trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu quân sự Đồng Tâm, cảng cá, nhà máy chế biến thủy hải sản, thức ăn thủy, hải sản, các khu vực chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh:

Nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp được đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để xử lý đạt cột A quy chuẩn hiện hành. Hiện tại, Khu công nghiệp Long Giang đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nhằm giám sát và kiểm soát liên tục lưu lượng, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải, Khu công nghiệp Tân Hương và Khu công nghiệp Mỹ Tho đang xúc tiến việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động.

Đối với các cụm công nghiệp Song Thuận, Tân Mỹ Chánh, Trung An: UBND tỉnh đã thí điểm giao Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý cụm công nghiệp và quy định các doanh nghiệp phải dầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt cột A theo Quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám hoạt động xả thải của các doanh nghiệp trong cụm đảm bảo theo quy định; kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung của Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Tân Mỹ Chánh bằng hình thức xã hội hóa.

Đối với các cơ sở trong Sư Đoàn 8: Công ty Phúc Nguyên Phát đã ngưng hoạt động, tháo dỡ toàn bộ công trình, không còn hoạt động; 6/6 cơ sở tái chế nhựa trong khu vực này đã có hệ thống xử lý chất thải. Hiện nay đang triển khai xây dựng Quy chế phối hợp kiểm soát môi trường đối với các cơ sở trong Khu quân sự Đồng Tâm.

Đối với các doanh nghiệp (nhà máy chế biến thủy hải sản, thức ăn thủy, hải sản, cơ sở gây mùi hôi khó khắc phục): UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra giám sát việc vận hành hệ thống xử lý khí mùi hiện có để giảm thiểu việc gây ô nhiễm mùi hôi. Hiện nay các cơ quan chức năng đang thành lập Đề án thành lập khu riêng để di dời các doanh nghiệp gây mùi hôi khó khắc phục.

Khi đề án được thông qua và triển khai thực hiện sẽ khắc phục việc các doanh nghiệp sản xuất gây mùi hôi tồn tại trong khu dân cư. Định hướng thời gian tới sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đặc thù với lĩnh vực này để phục vụ công tác quản lý.

* Về việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung: hiện nay khu xử lý chất thải rắn phía Tây tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang đã chọn được nhà đầu tư là Liên danh công ty TNHH Đầu tư môi trường Việt Nam và Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, đang tiếp tục đàm phán hoàn thiện và ký hợp đồng thực hiện đầu tư dự án. Đối với khu xử lý chất thải rắn phía Đông đang khảo sát vị trí để điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và kêu gọi đầu tư.

* Đối với bảo vệ môi trường làng nghề, đang tổ chức triển khai thực hiện dự án Báo cáo Điều tra đánh giá phân loại ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và đề xuất giải pháp xử lý; đồng thời, đang xây dựng và hoàn chỉnh Đề án cải tạo vệ sinh môi trường thị trấn Vàm Láng huyện Gò Công Đông (Làng nghề Chế biến thủy sản Vàm Láng), sẽ nghiệm thu vào tháng 9/2016.

* Tăng kinh phí sự nghiệp môi trường: Kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được phân bổ tăng dần qua các năm (năm 2015: 44.804 triệu đồng, 2016: 56.564 triệu đồng, dự kiến 2017: 70.000 triệu đồng).

* Tăng biên chế cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường: Việc bổ sung biên chế làm công tác bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được xem xét khi thẩm định Đề án xác định vị trí việc làm và trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

* Về việc điều chỉnh Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 4-6-2013: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 33/2016/QĐ-UBND ngày 30-6-2016 ban hành quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thay thế Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 4-6-2013.

3. Đại biểu Lương Quốc Thọ chất vấn:

Nguyên nhân vì sao 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm xảy ra cao ở một số địa phương so với cùng kỳ năm 2015 như ở các huyện Tân Phước, Chợ Gạo, Châu Thành và TP. Mỹ Tho? Đề nghị cho biết nội dung, biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng trên.

Trả lời của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Nguyên nhân tội phạm tăng trong thời gian qua, về khách quan do công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, quản lý con em trong một số gia đình chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường, xã hội có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi, lười lao động tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn.

Có một số bất cập trong hệ thống pháp luật dẫn đến việc xử lý tội phạm, vi phạm chưa triệt để. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, chính sách giúp đỡ về vốn đối với đối tượng vi phạm quản lý tại cộng đồng còn hạn chế. Có một phần trách nhiệm của công dân trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về chủ quan, trách nhiệm của Công an một số nơi chưa thể hiện tốt vai trò nồng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thiếu chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để lãnh đạo các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; lực lượng trinh sát còn ít, trẻ thiếu kinh nghiệm.

Trách nhiệm của một số cơ quan có liên quan trong tự bảo vệ tài sản, tham gia thực hiện các kế hoạch liên tịch, liên ngành về phòng, chống tội phạm.

Các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã chủ động mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh, dịp lễ, tết, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các nhiệm kỳ 2016 - 2021…, xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, xử lý các loại tội phạm nổi lên, như:

Kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức; kế hoạch đấu tranh xử lý các băng nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đâm đánh nhau; phối hợp tuần tra kiểm soát, phòng, chống tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; kế hoạch tăng cường đấu tranh, triệt xóa băng, ổ, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã...

Giải pháp thực hiện thời gian tới, Công an tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, gắn với thực hiện các chương trình khác về phòng, chống tội phạm (Kết luận 95-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới...), nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản, tình hình băng nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đâm đánh nhau, cố ý gây thương tích để người dân tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của mình, cũng như hỗ trợ lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tập trung làm tốt công tác nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm, tập trung các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm phức tạp; đối tượng hình sự, ma túy, các băng nhóm thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm. 

Tăng cường công tác trực ban, trực chiến, kịp thời tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các vụ án xảy ra; phối hợp tổ chức xét xử lưu động những vụ án điển hình nhằm răn đe tội phạm và phát động quần chúng nhân dân.

Đối với các vụ vi phạm hành chính, thì tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đưa đối tượng vi phạm công khai trước dân. Làm tốt công tác đưa đối tượng vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự vào quản lý theo Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ, đưa vào Trường giáo dưỡng, Cở sở giáo dục bắt buộc, Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Căn cứ diễn biến tình hình tội phạm, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động mở cao điểm tấn công tội phạm theo thời điểm hoặc cao điểm chuyên đề xử lý tình hình tội phạm nổi lên; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh, xử lý, quyết tâm làm giảm tội phạm. Tăng cường lực lượng cấp tỉnh, cấp huyện xuống cơ sở để tham gia phòng, chống tội phạm.

(Theo Cổng TTĐT Tiền Giang)

.
.
.